Đổ xô thuê xe đạp mùa COVID-19, tiểu thương ngồi không "hốt" bạc triệu mỗi ngày

Google News

Chỉ cần đầu tư khoản tiền trên dưới 50 triệu, nhiều người đã có thể thu cả triệu bạc tiền cho thuê xe đạp vào mỗi ngày cuối tuần.

Phong trào đi xe đạp ở Hà Nội đang cao hơn bao giờ hết. Hình ảnh cả đoàn xe đạp đi quanh các hồ của Hà Nội như Hồ Tây, Thiền Quang, Hoàn Kiếm như một trường đua đã trở thành phổ biến.
Do xo thue xe dap mua COVID-19, tieu thuong ngoi khong
 Phong trào đi xe đạp đang rất phát triển ở Hà Nội.
Giá một chiếc xe đạp trung bình trên thị trường hiện nay rơi vào khoảng từ 10 - 20 triệu đồng/xe. Nhiều người thậm chí bỏ ra tới gần trăm triệu để mua cho mình một chiếc xe đạp cho thoả mãn thú chơi. Anh Đỗ Minh Dũng - trú tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, chiếc xe đạp đua anh đang đi tính đến thời điểm này đã gần 100 triệu. Anh Dũng phải mua từng bộ phận để lắp ráp cho hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên không phải ai cũng sở hữu cho mình một chiếc xe đạp. Chị Phương Linh - trú tại phố Lý Quốc Sư (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, nhà chị có 2 vợ chồng và một con gái 12 tuổi đều thích đạp xe buổi sáng. Nhưng do nhà bé, không để được nhiều xe nên nhà chị chỉ mua 2 xe đạp dùng chung. Vào mỗi dịp cuối tuần cả nhà cùng đi thì sẽ thuê thêm 1 xe.
Do xo thue xe dap mua COVID-19, tieu thuong ngoi khong
Dịch vụ cho thuê xe đạp “ăn theo” phong trào đạp xe của người dân. 
Anh Cao Khánh - nhà ở huyện Thường Tín (Hà Nội) lại ở tình cảnh khác. “Hai vợ chồng tôi cuối tuần hay lên trung tâm Hà Nội chơi. Do không có chỗ uống cà phê nên cũng chẳng biết đi đâu. Thấy mọi người đạp xe nhiều nên gửi xe máy, thuê 2 xe đạp đi dạo quanh phố phường cho vui”, anh Khánh nói. Theo anh Khánh, từ nhà anh lên đến hồ Hoàn Kiếm mất khoảng 30km, nếu đi xe đạp lên rồi về thì sẽ rất mệt nên cách hay nhất là đi 2 vợ chồng đi xe máy lên rồi gửi xe, thuê xe đạp.
Còn rất nhiều lý do khác khiến nhu cầu thuê xe đạp của người dân Hà Nội tăng cao. Thậm chí nhiều công ty du lịch cũng đã đưa tour xe đạp xuống bãi giữa Sông Hồng hay quanh Hồ Tây vào chương trình dành cho du khách.
Do xo thue xe dap mua COVID-19, tieu thuong ngoi khong
Vì nhiều lý do nên không phải ai cũng có thể sở hữu riêng một chiếc xe đạp. 
Có cầu ắt có cung! Các loại hình cho thuê xe đạp cũng nở rộ tại Hà Nội. Anh Thanh Tùng - chủ cửa hàng cho thuê xe trên đường Trích Sài cho biết, cửa hàng của anh có khoảng 20 xe đạp địa hình để cho thuê. Giá mỗi chiếc xe hiện nay khoảng 2 triệu đồng/chiếc.
Theo anh Tùng, xe địa hình giá thấp nhưng thông dụng hơn dòng xe đua nên được thuê nhiều hơn. “Giá cho thuê xe khoảng 120 nghìn đồng 1 ngày cho mỗi chiếc xe, xe cao cấp hơn thì khoảng 250 nghìn. Khách lẻ thuê chỉ cần đặt lại chứng minh thư hoặc căn cước công dân. Khách đoàn thì chỉ cần có tổ chức đứng ra bảo lãnh”, anh Tùng nói.
Anh Tùng cho biết thêm, vào 2 ngày cuối tuần thì thường cho thuê hết xe. Nếu thiếu xe có thể đi thuê lại của nhà bên cạnh hoặc các nhà hỗ trợ nhau. “Không thể đầu tư thêm bởi ngày thường cũng không có nhiều người thuê”, anh Tùng chia sẻ.
Anh Mạnh Quân - chủ cửa hàng cho thuê xe trên phố Hàng Buồm thì cho rằng cũng chỉ nên đầu tư khoảng hơn 20 xe đạp loại vừa tiền vì sẽ dễ cho thuê, thu hồi vốn nhanh hơn. “Tôi đã từng mua xe đắt tiền để cho thuê nhưng những nhiều người thắc mắc gì giá thuê cao nên chọn loại xe rẻ tiền. Sau đó lại phải bán đi để đổi lấy mấy xe khác”, anh Quân kể lại. Sau khi tìm hiểu, anh Quân biết rằng những người hiểu giá trị của những loại xe đắt tiền thường sẽ bỏ tiền ra để sở hữu chúng. Cũng một đôi lần anh Quân cho thuê được xe đắt tiền nhưng cuối ngày về sửa chữa, bảo dưỡng thì lại rất đắt nên anh đã thay đổi chiến lược kinh doanh bằng toàn bộ xe rẻ tiền.
Do xo thue xe dap mua COVID-19, tieu thuong ngoi khong
Những chiếc xe giá rẻ sẽ dễ cho thuê và thu hồi vốn nhanh hơn. 
Bật mí về cách thu hồi vốn nhanh và giữ được khách, một chủ cửa hàng khác là anh Phong Nguyễn chia sẻ: “Nếu bỏ tiền ra đầu tư mấy chục chiếc xe đạp rồi cho thuê đợi thu đủ vốn thì khó lắm! Chỉ nên mua xe cũ nhưng còn mới rồi kinh doanh khoảng hơn 1 tháng là phải thanh lý rồi mua loạt xe khác”.
Theo anh Phong Nguyễn, trong vòng 1 tháng xe mới và ít hỏng nên không phải sửa chữa, khách cũng thích chọn xe mới để đi nên cho thuê được nhanh. Sau một tháng thì nên bán để thay đổi loạt xe khác, vừa là xe mới lại vừa giữ chân được khách. “Khách hàng cũng có nhu cầu trải nghiệm nhiều loại xe, nếu lần nào đến cũng là những chiếc xe họ đã đi thì sẽ mất khách ngay”, anh Phong phân tích.
Theo ghi nhận của PV Tri thức và Cuộc sống, dọc đường Trích Sài, Thanh Niên có nhiều cửa hàng cho thuê xe đạp. Một số người không có cửa hàng nhưng mang xe ra xếp thành hàng ở vỉa hè để kinh doanh. Đi kèm với các cửa hàng này là dịch vụ sửa xe đạp. Đây cũng là một dịch vụ “hốt bạc” trong những ngày này. Thậm chí nhiều người còn mang theo đồ nghề đi xe máy quanh Hồ Tây để cung cấp dịch vụ sửa xe đạp lưu động.
Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn đang phức tạp, nhiều hoạt động thể dục thể thao bị tạm dừng. Các loại hình phương tiện khác cũng bị hạn chế để tránh tiếp xúc gần thì xe đạp là một lựa chọn tối ưu về cả tính tiện dụng, độ an toàn lẫn sức khoẻ. Chính vì vậy, các dịch vụ “ăn theo” như cho thuê xe đạp, sửa xe đạp, bán xe đạp, đồ chơi... cũng nhờ đó mà phát triển. Vốn ít, thu lời ngay nhưng không phải ai cũng dám làm vì nhiều người làm sẽ bị bão hoà dịch vụ.
Hoàng Nam

>> xem thêm

Bình luận(0)