Nắm bắt được nhu cầu thay pin mới cho iPhone, những ngày qua, một số cửa hàng ở TP.HCM đã treo biển quảng cáo dịch vụ với giá rẻ, chỉ từ 150.000 đồng, bằng 1/5 so với trung tâm ủy quyền Apple. Những cửa hàng này cũng có sẵn pin để thay ngay cho khách, không cần chờ đợi nhiều ngày.
Theo ghi nhận của Zing.vn, những viên pin này có nhiều loại hàng khác nhau. Nhân viên tại cửa hàng đều cam kết là pin "zin" linh kiện, bóc máy.
|
Cửa hàng sửa chữa treo quảng cáo thay pin zin iPhone đồng giá 150.000 đồng là sai sự thật.
|
"Giá 150 nghìn chỉ dành cho pin "zin loại 2" được sản xuất bởi bên cung ứng linh kiện Apple. iPhone từ 6S trở về trước mới áp dụng mức giá này. Cửa hàng chỉ cam kết chất lượng bằng chế độ bảo hành 6 tháng", nhân viên một cửa hàng trên đường 3/2, quận 10, TP HCM cho biết.
Khi được hỏi về mức giá thay pin cho một chiếc iPhone 5C, nhân viên tại đây tư vấn khách thay "pin zin loại 1" để dùng tốt hơn. Mức giá là 300.000 đồng cho iPhone 5, 5S, 5C và 400.000 đồng cho iPhone 6,6S.
"Apple không sản xuất linh kiện pin để thay thế. Chỉ có thể có được pin zin qua hình thức tháo từ máy zin hoặc bảo hành trực tiếp tại các trung tâm của Apple", nhân viên này nói thêm.
Ngoài ra người này cũng hướng dẫn một số cách để phân biệt "pin zin loại 2" và "pin zin loại 1". Bề mặt pin loại 1 có chất liệu nhám mịn, độ hoàn thiện tốt và chữ in trên pin nét hơn. Ngoài ra, hiệu năng hoạt động đều tương tự nhau. Khác biệt lớn nhất quyết định giá cả của hai loại pin trên là độ bền theo thời gian.
|
Từ trái sang là pin "zin loại 2", "zin loại 1" và pin chính hãng. |
Thông số trên pin iPhone chính hãng là 3.8 V, 5,73 Wh, 1.510 mAh trong khi "pin zin loại 1" là 3.8 V, 5.92 Wh, 1.560 mAh. Thông số trên "pin loại 1" được dùng để thay cho iPhone 5C thực chất là loại dành riêng cho iPhone 5S. "Việc sử dụng chung một loại pin thay cho tất cả các đời máy có cùng kích thước pin gây ảnh hưởng lớn đến khả năng hoạt động của máy, thậm chí có thể dẫn đến cháy nổ", anh Lê Khánh, chuyên viên sửa chữa điện thoại tại quận 1 cho biết.
Pin là linh kiện quan trọng giúp điện thoại hoạt động và là nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ cháy, nổ điện thoại. Người dùng cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định thay thế, tránh trường hợp xấu vì ham pin giá rẻ.
Theo khuyến cáo từ sách hướng dẫn sử dụng của Apple, người dùng không nên tự ý thay thế pin iPhone. Điều này có thể gây tổn hại đến pin, dẫn tới việc pin nóng, bốc cháy gây sát thương. Pin Lithium-ion trên iPhone nên được bảo hành và tiêu hủy bởi Apple hoặc trung tâm dịch vụ ủy quyền.Tất cả pin đều có tuổi thọ nhất định và cần được bảo dưỡng hoặc tái chế.
"Tuổi thọ pin sẽ khác nhau tùy thuộc vào cách sử dụng thiết bị cũng như cài đặt cho pin. Hủy bỏ pin chung với rác thải sinh hoạt gây ảnh hưởng lớn đến môi trường", trích tài liệu của Apple đi kèm với mỗi chiếc iPhone.
Cách đây ít ngày, 50 nhân viên và khách hàng ở Apple Store ở Zurich, Thụy Sỹ đã phải di tản gấp vì một chiếc iPhone bị quá nhiệt, phù pin và bốc khói. Tuy cảnh sát địa phương và Apple chưa có bình luận gì về vụ việc, nhưng một số trang công nghệ đưa ra phỏng đoán chiếc iPhone bốc hỏa ở Zurich có thể đã bị thay pin từ một nguồn bên ngoài trước khi mang đến sửa chữa tại Apple Store.