Bộ Công Thương đang gấp rút lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Dự kiến dự thảo sẽ được hoàn thiện và trình Chính phủ trong tháng 1-2023.
Nhiều nội dung mới
Điểm mới đáng chú ý đầu tiên tại dự thảo là về công thức giá và phương thức điều hành giá xăng dầu. Về công thức giá, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá, gồm giá thế giới (giá Platt’s); các loại thuế thu vào ngân sách nhà nước, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá… để định hướng cho việc tính và quyết định giá bán lẻ xăng dầu cụ thể của các công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu. Các doanh nghiệp (DN) căn cứ các chi phí thực tế của mình để tự xác định và công bố giá bán lẻ, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát.
|
Nhiều công ty xăng dầu đề nghị cho phép cửa hàng bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn. Ảnh: AH |
“Phương án này giúp đưa giá xăng dầu dần dần về thị trường. Qua đó giảm dần sự can thiệp của Nhà nước, bảo đảm phản ánh đủ chi phí thực tế phát sinh của các DN trong giá cơ sở xăng dầu, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Đặc biệt, khi DN đầu mối được tự quyết định các chi phí kinh doanh, họ sẽ cân đối, duy trì chiết khấu trong hệ thống phù hợp với thực tế cung cầu trên thị trường” - đại diện Bộ Công Thương giải thích.
Về thời gian điều hành giá, Bộ Công Thương đề xuất giảm thời gian điều hành giá từ 10 ngày xuống bảy ngày, quy định vào thứ Năm hằng tuần, không kể ngày nghỉ, lễ. Trường hợp thứ Năm rơi vào mùng 1 đến mùng 3 tháng 1 âm lịch thì được chuyển đến ngày mùng 4 âm lịch của tết Nguyên đán.
Bộ Công Thương cho rằng phương án này nhằm bảo đảm giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Việc điều hành sẽ được thực hiện cả vào ngày nghỉ lễ để tránh việc giá có biến động lớn trong những dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng hoặc DN.
Về quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án thương nhân phân phối được mua hàng từ tối đa ba đầu mối. Mục tiêu, theo Bộ Công Thương, là vẫn kiểm soát được số lượng đơn vị cấp hàng và bảo đảm sự linh hoạt cho thương nhân có địa bàn kinh doanh rộng khắp cả nước.
Vẫn chưa sửa đổi triệt để
Có thể thấy hàng loạt quy định mới về xăng dầu đã được Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo nghị định. Từ các vấn đề của thương nhân phân phối, quỹ bình ổn cho đến thời gian điều hành giá… Điều này thể hiện sự cầu thị, lắng nghe từ cơ quan điều hành, mà cụ thể là Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, một số nội dung quan trọng liên quan đến hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu mà hàng ngàn DN thời gian qua liên tục phản ánh, kiến nghị đã không được sửa đổi. Trong đó có thể kể đến quy định về mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn thay vì chỉ một nguồn như hiện nay.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, phân tích: Thực tế thị trường xăng dầu thời gian qua cho thấy nhiều đơn vị bán lẻ không có chiết khấu khiến cửa hàng lỗ liên tiếp, dẫn đến không có tài chính nhập hàng, phải đóng cửa cây xăng.
Do vậy, nếu không quy định chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu thì các công ty đầu mối, phân phối muốn đưa bao nhiêu chiết khấu cho đơn vị bán lẻ cũng được và thường ở mức rất nhỏ hoặc không có. Hơn nữa, theo quy định, DN bán lẻ chỉ được lấy từ một nguồn duy nhất.
“DN bán lẻ đang ở thế vô cùng khó. Trong khi mỗi lần ký hợp đồng thì hiệu lực ít nhất hai năm. Mỗi lần gần hết hợp đồng họ tăng chiết khấu lên một vài tháng để kéo DN bán lẻ tái ký, ký xong lại đè xuống, DN bán lẻ không thể làm gì được. Ngay công ty tôi cũng không ít lần rơi vào trường hợp bị đè chiết khấu như thế, không chấp nhận được thì phải bồi thường hợp đồng với tổn thất rất nặng nề” - ông Tây chia sẻ.
Từ thực tế trên, ông cho rằng nếu không quy định chiết khấu thì phải cho nhà bán lẻ lấy hàng ở ít nhất hai nơi mới cạnh tranh được chiết khấu. Khi đó công ty đầu mối sợ cho chiết khấu thấp thì nhà bán lẻ sẽ lấy hàng ở nơi cho chiết khấu cao hơn, từ đó tạo ra cạnh tranh. Nếu không áp dụng giải pháp này, nhà bán lẻ “không sống nổi” nên sẽ lại đóng cửa.
Giải thích về vấn đề này, phía Bộ Công Thương cho biết: Sau khi phân tích ưu, nhược điểm, bộ đã chọn phương án không quy định mức chiết khấu tối thiểu. Bộ này cũng lý giải về việc tiếp tục chọn phương án theo hướng đại lý bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một nguồn là để “phù hợp với Luật Thương mại và để kiểm soát chất lượng, nguồn gốc, giá bán xăng dầu đến người tiêu dùng”.
Đề xuất chuyển việc điều hành giá xăng dầu cho Bộ Tài chính
Trong dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. Bộ Công Thương lý giải chọn phương án này là nhằm tập trung việc quản lý điều hành giá về một đầu mối, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tài chính.
Trước đó, Bộ Tài chính đã đề nghị chuyển đầu mối điều hành xăng dầu về Bộ Công Thương.
Về vấn đề này, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng việc Bộ Công Thương đề xuất đưa quản lý xăng dầu sang Bộ Tài chính là không hợp lý. Bộ Công Thương phải là đơn vị quản lý chung nhất mặt hàng xăng dầu. Bởi lẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu mang đặc thù của hoạt động thương mại. Từ việc xuất nhập khẩu, quản lý cung cầu thị trường, quan hệ mua bán với nhà máy lọc dầu trong nước, Bộ Công Thương đều quản lý.
Tuy vậy, một số chuyên gia khác lại cho rằng quan trọng nhất là đổi mới cơ chế quản lý xăng dầu chứ bộ nào quản lý không phải là yếu tố quyết định.