“Đệ nhất cao thủ” bắt chuột dừa

Google News

Nhắc đến bắt chuột, bà con địa phương ai nấy đều biết ơn “cao thủ” Ba Non, vì nhờ có ông mà chuột dừa ở nơi này đã giảm đi đáng kể.

Lão “sát thủ” chuột dừa
Vào một buổi chiều ngày cận tết, chúng tôi về xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre để tìm hiểu về nghề bắt chuột dừa. Trò chuyện với chúng tôi dưới tán dừa rợp bóng, một người địa phương tên Phát nói vui rằng: “Mấy chú tới đây là tôi biết tìm ai rồi, có phải “sát thủ” Ba Non (tên thân mật của ông Dương Văn Non-PV) không? Ở đây, ông Ba nổi tiếng lắm đó, nhờ có ông ấy mà lũ chuột dừa không còn dám manh động phá hoại dừa của bà con”.
“De nhat cao thu” bat chuot dua
Ông Ba Non chuẩn bị những chiếc bẫy đi gài chuột dừa. Ảnh: H.L 
Theo chân anh Phát đi qua những con ngõ ngoằn ngoèo, chúng tôi được diện kiến “sát thủ” Ba Non khi ông đang chuẩn bị đồ nghề bẫy chuột. Đó là một lão ông có dáng người nhỏ thó, nhanh nhẹn hoạt bát, trẻ trung so với cái tuổi 73 của mình.
“Khi thấy những trái dừa rụng xuống đầy gốc do chuột đục phá, tôi không chịu được. Mình làm nghề này vừa vì mình, cũng vì cuộc sống của mọi người. Chừng nào tôi thấy mình không đủ sức khỏe nữa sẽ tự động rút lui”.
Ông Dương Văn Non
Nói về mối “lương duyên” đến với nghề bắt chuột, ông Ba cho biết: “Cũng giống như người dân ở địa phương, khi lập gia đình ra riêng tôi có mấy công đất trồng dừa. Vậy nhưng thu nhập từ việc bán dừa không đủ sống, lý do là dừa bị chuột phá quá nhiều. Những cây dừa lá xanh um mang đầy trái, vậy mà chỉ sau một đêm bị lũ chuột đục thủng rụng xanh cả gốc cây. Nhìn cảnh tượng đó tôi thấy xót và suy nghĩ tìm cách khắc chế loài gặm nhấm này”.
Mới “khởi nghiệp” ông Ba gặp rất nhiều khó khăn trong việc “thu phục” lũ chuột dừa, bởi đây là loại chuột rất tinh khôn. Vì vậy, người đi bắt chuột dễ nản chỉ bởi rất khó để dụ chúng vào bẫy của mình. Sau nhiều lần gài không dính chuột, ông Ba tự mình suy nghĩ đúc kết kinh nghiệm để làm sao mang lại hiệu quả cao nhất khi bẫy chuột.
“Cao thủ” chuột dừa chia sẻ: “Điều cốt yếu để làm nên thành công chính là phải biết xác định luồng chuột chạy rồi mới đặt bẫy. Chuột dừa thường kiếm ăn vào ban đêm, đặc biệt là lúc khuất mình, mang bẫy lồng đặt cạnh mé mương thì đố con nào chạy thoát. Mồi chuột thích nhất là dừa, nên chọn miếng dừa cứng cạy, trông ngon mắt để kích thích chúng. Làm nghề này tuy vất vả nhưng khi đi gỡ bẫy mà thấy chuột lổn nhổn trong bẫy thấy phát ham”.
Những năm còn trẻ, ông Ba thường đặt bẫy trên cây dừa, nhưng mấy năm nay tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nên lão nông này chỉ đặt bẫy ở mé mương rồi canh luồng chuột chạy. Nhiều người thấy ông bẫy chuột dừa mà đặt dưới đất nên cũng lấy bẫy lồng ra thử nhưng không hề dính một con chuột nào. Ông Ba bảo, ông có “mạng” thu phục chuột dừa nên lũ phá hoại này thấy bẫy của ông thì cứ chui vào mà chịu chết.
Nghề nhiều lợi ích
“De nhat cao thu” bat chuot dua-Hinh-2
Một món ăn chế biến từ chuột dừa. Ảnh: I.T 
Gần 20 năm gắn bó với nghề ông Ba nhận ra rằng, làm nghề này cũng phải có cái “tâm”, khi đặt không dính chuột là phải nhận ra ngay những chỗ thiếu sót để sửa chữa kịp thời. Lúc mới “hành nghề”, chuột dừa nhiều vô số, tha hồ mà đặt bẫy, sau đó chúng trở nên nhát mồi, người gài chuột phải để ý từng cây dừa, khi chuột mới ăn vài trái là đặt ngay bẫy dưới gốc dừa. Những đêm “trúng chuột”, ông Ba bẫy được khoảng 2kg, bán trung bình 60.000 đồng/kg. “Làm nghề này không cần bỏ vốn vậy mà cũng có thu nhập ổn định hàng ngày. Gia đình tôi chỉ làm vườn nên không vất vả mấy, tối đến cứ mang bẫy đi gài, sáng hôm sau đem bán lấy tiền trang trải cuộc sống” - ông Ba chia sẻ.
Ngoài việc bắt chuột dừa để gia tăng thu nhập cho bản thân, ông Ba còn tự hào vì cho rằng cái nghề mà ông đang theo đuổi giúp ích cho bà con rất nhiều trong việc đảm bảo năng suất dừa. Bởi trung bình 1 đêm, 1 con chuột dừa có thể phá hoại gần chục trái, số lượng đàn chuột thì ngày một tăng, vườn dừa nào không có ông Ba lui tới chuột sẽ có nhiều cơ hội để sinh sôi, nảy nở.
Ông Ba vui vẻ nói: “Chủ vườn trông thấy tôi là hồ hởi đón tiếp, thậm chí còn trả công cho tôi giúp họ bắt chuột dừa. Nhưng không bao giờ tôi lấy công vì mình làm nghề này ngoài việc giúp cho bà con, bản thân mình cũng có tiền để trang trải cuộc sống”.
Chuột dừa “cháy hàng” mùa tết
Nhớ lại những ngày túng thiếu, ông Ba tâm sự, vợ chồng ông có đến 4 người con, kinh tế gia đình sa sút vì phải lo cho con ăn học. Nghề bán chuột dừa đã giúp ông có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Nhờ giỏi giang tích cóp, vợ chồng ông cũng nuôi được các con ăn học thành tài. “Cả 4 đứa con tôi đều học xong đại học và đang đi làm, thu nhập ổn định và tự nuôi sống bản thân” - bà Ba (vợ ông Ba) cho biết.
Những ngày cận tết, các nhà hàng, quán ăn liên tục tìm đến nhà ông Ba nhờ ông bẫy chuột để phục vụ thực khách. Nhắc lại những cái tết đã đi qua, ông nói: “Chuột dừa đang là đặc sản của Bến Tre, thực khách gần xa khi ăn các món chế biến từ loại chuột này đều tấm tắc khen ngon. Bao nhiêu chuột dừa tôi bẫy được đều không đáp ứng được nhu cầu. Người ăn thì nhiều mà người bắt thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay”.
Hiện tại, kinh tế gia đình ông Ba cũng đã ổn định, “sát thủ” chuột dừa cũng đã có tuổi không thể miệt mài đặt bẫy như trước kia nữa. Nói về chồng, bà Ba chia sẻ: “Mỗi khi tết đến, ông nhà tôi quần quật cả ngày, hết đi gài chuột thì đi thăm bẫy. Mấy năm nay, ổng hơi yếu nên không thể đi làm nhiều. Tôi khuyên ông nhà nên nghỉ ngơi đi vì mọi sinh hoạt hằng ngày đã có các con giúp đỡ”.
Còn lão ông được mệnh danh là “cao thủ” diệt chuột dừa này thì quả quyết rằng lúc này mình sẽ không giải nghệ. Ông chia sẻ: “Khi thấy những trái dừa rụng xuống đầy gốc do chuột đục phá, tôi không chịu được. Mình làm nghề này vừa vì mình, cũng vì cuộc sống của mọi người. Chừng nào tôi thấy mình không đủ sức khỏe nữa sẽ tự động rút lui”.
Theo Hoàng Lê/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)