10h sáng ngày 22/4, do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng; đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng thứ Ba tức ngày 23/4/2024.
Thông tin trên khiến không ít người đặt ra câu hỏi về việc các doanh nghiệp đăng ký tham gia đấu thầu vàng miếng SJC của Nhà nước chỉ để “cho có”? Hoặc phải chăng việc không tham gia phiên đấu thầu đầu tiên, mở lại sau 11 năm là do những lo ngại nào khác?
Anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ một tiệm kinh doanh vàng lâu năm tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội nhận định: “Các doanh nghiệp tham gia đấu giá vàng có thể vẫn đang lo ngại, bởi kinh doanh vàng rất nhạy cảm, biến động từng giờ, từng phút. Với khối lượng đặt thầu là tối thiểu 1.400 lượng, không phải doanh nghiệp nào cũng dám mạnh tay xuống tiền, nhất là khi lượng lớn thế này không thể bán hết ngay.
Rủi ro lỗ vốn hoàn toàn có thể xảy ra, khi 1.400 lượng vàng miếng mua về chưa kịp bán hết mà lại trượt giá. Giá tham chiếu thậm chí cũng khá cao (81,8 triệu đồng/lượng) cũng là bài toán chi phí - lợi nhuận mà doanh nghiệp cần phải cân đối.”
|
Các doanh nghiệp đang "chậm lại" để nghe ngóng thị trường |
Theo chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu, hiện tượng dời lại việc đấu thầu vàng trong buổi sáng hôm ngày 22/4 từ phía Ngân hàng Nhà nước là một diễn biến bất thường; người tham dự thầu và đặt cọc quá ít cũng là yếu tố đáng quan tâm và phản ánh động thái chờ đợi và nghe ngóng trong dân chúng.
Tuy nhiên, nguyên nhân của hành động trên không quá khó để lý giải, bởi lẽ vàng luôn là thị trường nhạy cảm khi có biến động. Rất có thể cả doanh nghiệp và người dân đều đang “chậm lại” để theo dõi diễn biến và phản ứng của số đông thị trường. Bởi sau khi đấu thầu vàng, thị trường vàng có thể sẽ “rớt giá” xuống thấp hơn nữa. Đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu cơ.
Dự đoán về động thái tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước, Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu bình luận, cơ quan quản lý có thể dời lại việc đấu thầu nhiều lần tới thời điểm nào phù hợp với diễn biến của thị trường, không phải chỉ dời một lần. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, cơ hội thành công tổ chức buổi đầu thầu vàng vào sáng 23/4 là rất cao và nhiều khả năng sẽ có không ít doanh nghiệp trúng thầu vàng.
Theo một số chuyên gia, việc đấu thầu vàng miếng lần này được kỳ vọng đưa giá vàng trong nước về sát hơn với giá vàng thế giới, bởi nguồn cung vàng trong nước hạn chế được coi là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới khá cao, có thời điểm lên tới gần 20 triệu đồng/lượng.
|
Loại bỏ độc quyền vàng có thể giúp giảm giá vàng về bằng với thế giới |
Ông Huỳnh Trùng Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, bỏ độc quyền vàng không chỉ giúp hạ giá vàng, liên thông thế giới mà còn thúc đẩy xuất khẩu trang sức, một tiềm năng lớn của Việt Nam.
“Trong 10 năm gần đây, NHNN hầu như không cho sản xuất một lượng vàng mới nào, cũng không nhập khẩu một ký vàng nguyên liệu nào. Thành thử ra, trong thập kỷ qua, lượng cung vàng trên thị trường luôn trong tình trạng khan hiếm. Khan hiếm từ vàng miếng SJC đến khan hiếm vàng nguyên liệu. Cung “cạn” ắt sẽ đẩy giá thành lên cao, mới có hiện tượng giá vàng SJC có lúc chênh với giá vàng thế giới hơn 20 triệu đồng một lượng, cả chênh lệch giữa vàng SJC với vàng nhẫn tới hơn chục triệu một lượng”, Phó Chủ tịch VGTA nói.
Theo ông Huỳnh Trùng Khánh, NHNN và các chuyên gia đều hướng đến sửa đổi, gỡ bỏ độc quyền nhà nước đối với thương hiệu vàng miếng SJC. Tuy nhiên, muốn sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP không phải là một sớm một chiều làm được, phải có sự cho phép từ Chính phủ và NHNN, phải lấy ý kiến rộng rãi, sau đó trình các cấp có thẩm quyền, nên cần có thời gian.