Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên, vừa bất ngờ xuất hiện trong phiên hòa giải vụ ly hôn cùng nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo vào ngày 3/8 vừa qua.
Đây là thứ hai ông Vũ bất ngờ xuất hiện trước công chúng, sau khi “ẩn cư” từ năm 2015, lần trước đó là vào dịp Trung Nguyên tổ chức sự kiện kỷ niệm 22 năm thành lập công ty vào giữa tháng 6 vừa qua.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội đồng thời xuất hiện một đoạn video ngắn, ghi lại hình ảnh “Chủ tịch” Vũ với “thần thái” không còn như lần ra mắt trước đó. Trong đó, vị chủ tịch tập đoàn cà phê nổi tiếng của Việt Nam chỉ ngồi lắc đầu, tỏ vẻ mệt mỏi.
|
Vào giữa tháng 6, ông Vũ bất ngờ xuất hiện trong lễ kỉ niệm 22 năm thành lập Trung Nguyên và giới thiệu bộ nhận diện thương hiệu mới, sản phẩm mới của tập đoàn. |
Rất nhiều người khi xem đều tự hỏi, điều gì đang xảy ra với ông Vũ?. Hình ảnh này hoàn toàn khác với hình ảnh “Qua” của trước đó hơn 1 tháng, người được cho là đã dành 5 năm ẩn cư để thiền định.
Trong sự kiện mới cách đây gần 2 tháng, Vũ xuất hiện trong vai trò là Chủ tịch của Trung Nguyên Legend. Vị Chủ tịch được nhân viên gọi là “ngài” với thái độ cung kính. Ông tự xưng là “Qua” và gọi họ là các “anh chị em”.
Vũ xuất hiện không chỉ để tổ chức sinh nhật 22 tuổi của Trung Nguyên. Ở góc độ kinh doanh, đây là thời điểm mà Trung Nguyên có nhiều thay đổi. Ông Vũ giới thiệu đến thị trường 3 dòng sản phẩm mới, kèm theo việc ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới. Thêm nữa, các chuỗi không gian cà phê Trung Nguyên cũng sẽ thay đổi, trong đó có Trung Nguyên Legend Cafévà tiếp tục kế hoạch với chuỗi E-coffee.
Trong bối cảnh “Cuộc chiến” tranh quyền ở Trung Nguyên đang có những diễn biến mới, ông Vũ tiếp tục dồn sức vào hệ thống chuỗi cà phê, thì bà Thảo mới đây cũng khai trương quán cà phê King Coffee ở TP.HCM, sau quán đầu tiên ở Gia Lai, tiếp tục bước đi phát triển chuỗi cà phê.
|
Đặng Lê Nguyên Vũ xuất hiện trong phiên hòa giải cùng vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Cả hai vẫn chưa thống nhất chuyện phân chia tài sản |
Thực tế, chuyện ly hôn là cuộc sống riêng tư của Đặng Lê Nguyên Vũ, cho dù nhận được nhiều sự chú ý, nhưng viễn cảnh của doanh nghiệp Trung Nguyên mới là điều khiến cho nhiều người tò mò, đặc biệt là khi “Vua cà phê Việt” có dấu hiệu hụt hơi trong quãng thời gian qua.
Có thể hiểu Tập đoàn Trung Nguyên có nhiều mảng kinh doanh, gồm cà phê rang xay, cà phê hòa tan và mảng nhượng quyền cửa hiệu.
Ở mảng kinh doanh cà phê, Trung Nguyên được biết đến là “vua” xuất khẩu cà phê, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và Mỹ, nhưng cho đến nay vẫn có con số chính xác để kiểm chứng. Số liệu của CTCP Nghiên cứu và tư vấn ngành Việt Nam (VIRAC) cho thấy trong 7 tháng (từ tháng 7/2017 - tháng 3/2018) Việt Nam xuất khẩu khoảng 100 triệu USD cà phê hòa tan, tương ứng với con số doanh thu khoảng gần 2.300 tỷ đồng. Còn nếu tính chung cả xuất khẩu cà phê nhân, giá trị khoảng 1,6 tỷ USD.
Trung Nguyên liệu sở hữu được bao nhiêu trong con số đó? Ông Vũ trong lần xuất hiện gần đây đã nhấn mạnh tầm nhìn đầu tiên của tập đoàn Trung Nguyên, đó là xây dựng chuỗi cà phê trị giá 20 tỷ USD cho Việt Nam trong tương lai.
Ở mảng cà phê hòa tan, số liệu của VIRAC cho biết doanh thu năm 2016 của Công ty Cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên đạt 413 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận trước thuế là 59 tỷ đồng.
Cũng có nguồn tin cho rằng Trung nguyên áp đảo về mảng cà phê rang xay với thị phần khoảng 60%, kiếm tiền nhiều từ xuất khẩu cà phê hòa tan ở thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, báo cáo của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên cho thấy doanh thu thuần trong giai đoạn ông Vũ vắng bóng (2014-2017) hầu như không tăng nhiều, còn lợi nhuận đi xuống. Doanh thu của Trung Nguyên ước khoảng 4.000 tỷ đồng vào năm 2017.
Với các mảng hoạt động khác như chuỗi cà phê hay nhượng quyền thương hiệu, con số doanh thu trên có thể đạt được nhờ sự sôi động của thị trường cà phê. Tuy nhiên, sự bứt phá của nhiều đối thủ cả nội lẫn ngoại trong từng nhóm sản phẩm trong những năm qua có thể thấy rằng vị thế của Trung Nguyên trên sân nhà đang bị lấn át ít nhiều.
Đi đầu trong lĩnh vực cà phê hòa tan loại 3 in 1 ở thị trường Việt Nam, nhưng Trung Nguyên cũng dần rơi rớt thị phần sau nhiều năm. Số liệu Euromonitor cho thấy thị phần Trung Nguyên năm 2011 là 38%, nhưng đến năm 2015 thì chỉ còn 15%, bị Nescafe và Vinacafe bỏ xa. Không quá khó hiểu khi công ty cà phê hòa tan là đối tượng tranh chấp pháp lý trong nhiều năm qua.
Sự xuất hiện của Vũ luôn được mọi người kì vọng sẽ thay đổi hiện trạng của Trung Nguyên. Vũ khẳng định sau 5 năm thiền định, ông đã có lời giải cho tất cả mọi câu hỏi trên thế giới. Nhưng ở Trung Nguyên, vấn đề hiện nay là sự tranh chấp quyền điều hành.
Tại phiên hòa giải, dường như cả hai thuận tình ly hôn, nhưng việc phân chia tài sản vẫn chưa đến hồi kết.
Trong khi đó, “xuống núi” lần này, Vũ cũng chi cả núi tiền cho hàng loạt “siêu xe” chạy xuyên Việt, phát sách tri thức tặng cho giới trẻ. Hành trình siêu xe tặng sách sắp kết thúc, nhưng chuyện Trung Nguyên thêm tuổi mới sẽ như thế nào cho đến nay vẫn còn là bí ẩn, cho dù ông Vũ đã bắt đầu xuất hiện.