Công ty dược Purdue Pharma biến trăm nghìn người Mỹ thành con nghiện

Google News

Quyết định sang làm việc ở Purdue Pharma đã khiến Carol Panara phải nuối tiếc, cay đắng. Chính bà đã giúp tỷ phú nhà Sackler tạo ra đại dịch khiến hàng trăm nghìn người chết ở Mỹ.
 

Purdue Pharma là nhà sản xuất OxyContin, loại thuốc giảm đau nhóm opioid đầy tai tiếng, tác dụng mạnh và gây nghiện. Bà Panara được lệnh tăng doanh số cho OxyContin, bằng cách nhắm đến các bác sĩ thiếu kinh nghiệm, và gạt đi nguy cơ người bệnh sẽ lạm dụng thuốc.
Thủ phạm giết chết 40.000 người Mỹ mỗi năm
OxyContin là một trong những “thủ phạm” hàng đầu trong đại dịch sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất trên thế giới trong thời hiện đại. Riêng năm 2016, quá liều opioid là nguyên nhân khiến 42.000 người chết ở Mỹ, theo Financial Times.
Tính trong giai đoạn 1999-2017, đại dịch này đã giết chết gần 400.000 người ở Mỹ, theo Guardian. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, việc lạm dụng thuốc giảm đau nhóm opioid xảy ra ở hơn 2 triệu người Mỹ, và có xu hướng gia tăng.
Cong ty duoc Purdue Pharma bien tram nghin nguoi My thanh con nghien
 OxyContin là cái tên hàng đầu trong các thuốc giảm đau nhóm opioid đã khiến 42.000 người chết ở Mỹ năm 2016. Ảnh: Reuters.
Công ty Purdue Pharma, chủ sở hữu là gia đình tỷ phú Sackler đầy quyền lực, đang dính hơn 2.000 vụ kiện, bao gồm gần hết các tiểu bang ở Mỹ, vì đã quảng cáo sai lệch về OxyContin, gạt đi rủi ro gây nghiện.
Công ty này mới đây đã nộp đơn xin phá sản, trong một thỏa thuận sơ bộ, trong đó gia đình Sackler sẽ giao lại công ty cho chính quyền. Toàn bộ lợi nhuận từ công ty, ước tính tổng cộng 7-8 tỷ USD sẽ được sử dụng để xử lý hậu quả của đại dịch, hỗ trợ người nghiện. Cộng thêm khoảng 3 tỷ USD mà cá nhân gia đình Sackler phải bỏ ra, thỏa thuận nhằm chấm dứt kiện tụng này có giá trị ước tính 10-12 tỷ USD.
Đây là công ty đầu tiên trong số hơn 20 công ty dược đang bị kiện trên toàn nước Mỹ vì đã gây ra đại dịch trên. Ẩn số hiện nay là sẽ có bao nhiêu bên đồng ý với thỏa thuận, trong số các tiểu bang Mỹ và trong số 34.000 thành phố, thị trấn còn chưa nộp đơn kiện, theo New York Times.
Cong ty duoc Purdue Pharma bien tram nghin nguoi My thanh con nghien-Hinh-2
Trụ sở của Purdue Pharma ở Stamford, bang Connecticut. Ảnh: AP. 

Quảng cáo opioid cho bệnh thông thường
Bà Panara kiếm được hơn 100.000 USD mỗi năm nhờ bán thuốc. Trong một quý của năm 2009, bà được thưởng tới 16.000 USD. Nhưng bà chưa phải người kiếm được nhiều nhất, như một số đồng nghiệp ở bang Florida được thưởng chuyến đi xa xỉ đến các đảo ở Hawaii và Caribê.
Trước khi bà gia nhập Purdue, vào năm 2007, công ty này đã nhận tội lừa dối các bác sĩ về tính gây nghiện của OxyContin, và nộp phạt 600 triệu USD. Tuy nhiên, khi bà tỏ ý băn khoăn về giá trị đạo đức ở đây, sếp của bà đã gạt đi, nói công ty bị bôi nhọ và chỉ thú nhận cho xong chuyện.
Sự vụ năm 2007 không gây ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng của Purdue. Đến năm 2010, công ty mở rộng mạng lưới bán hàng, và loại thuốc này mang về 3 tỷ USD mỗi năm. “Sau vụ nhận tội, họ không thay đổi gì - cách họ quản lý và khuyến khích đội ngũ bán hàng, mọi thứ vẫn thế”, một giám đốc Purdue nói với Financial Times.
Bà Panara và các đồng nghiệp được lệnh quảng cáo thuốc tới các bác sĩ đa khoa chữa trị các chứng bệnh thông thường như đau lưng, thay vì chỉ tìm đến các chuyên gia giảm đau hay bác sĩ ung thư, vốn thông thạo hơn về giảm đau opioid và các rủi ro.
“Họ bảo chúng tôi gọi các bác sĩ gia đình, vì số lượng bác sĩ gia đình lớn hơn bác sĩ giảm đau”, bà nói với Financial Times.
Cong ty duoc Purdue Pharma bien tram nghin nguoi My thanh con nghien-Hinh-3
 Một tiệm thuốc trong siêu thị ở Mỹ. Purdue quảng cáo OxyContin, thuốc giảm đau dành cho bệnh nhân ung thư sắp qua đời, tới các bác sĩ chữa các chứng bệnh thông thường. Ảnh: Reuters.
Nếu bác sĩ lo ngại bệnh nhân có biểu hiện quay lại xin thêm thuốc giảm đau, bà Panara được hướng dẫn hãy nói về chứng “nghiện thuốc giả”, thuyết phục họ rằng đó không phải là nghiện thực sự, mà chỉ là do liều giảm đau chưa đủ, cần phải kê thêm, bà Panara kể lại.
“Biểu hiện đòi thêm thuốc sẽ dừng lại” một khi kê liều cao hơn và cơn đau được kiểm soát hẳn, bà Panara sẽ nói với các bác sĩ như vậy. Nhưng giờ đây, bà kết luận cách thức đó đã “khiến người bệnh chịu đựng thuốc tốt hơn, khiến cơ thể họ phụ thuộc nhiều hơn, và biến họ thành con nghiện”.
Một nhân viên bán hàng khác bị yêu cầu không tố giác khi biết về phòng khám của một bác sĩ phẫu thuật đầy nghi vấn. “(Phòng khám) chỉ mở cửa 2 ngày rưỡi mỗi tuần”, người này nói với Financial Times. “Đó là căn phòng bẩn thỉu, sơ sài, có ghế nhựa, nhưng luôn đông kín người”.
Đây có thể là một “lò bàn thuốc”, lập ra chỉ để kê đơn thuốc giảm đau một cách chóng vánh rồi đút túi tiền bán thuốc, theo Financial Times.
Bà Panara và một nhân viên bán hàng khác cũng được lệnh quảng cáo không chỉ OxyContin, mà còn các loại thuốc giảm đau khác. Hợp đồng của họ ghi rằng sẽ có tiền thưởng nếu mở rộng được thị trường, dù không phải là OxyContin. Như vậy, đội ngũ bán hàng của Purdue đã giúp bán hàng triệu viên thuốc giảm đau từ các công ty khác.
“Chẳng khác nào bảo quản lý McDonald’s giúp Burger King và KFC bán được hàng”, một quan chức Mỹ nói với Financial Times.
Một nhà phân tích ngành dược và một quản lý cao cấp của Purdue nhận định rằng Purdue muốn các bác sĩ kê thuốc giảm đau thường xuyên hơn. Một khi bác sĩ hình thành thói quen như vậy, các nhân viên bán hàng có thể dễ dàng thuyết phục họ chuyển sang kê OxyContin.
Cong ty duoc Purdue Pharma bien tram nghin nguoi My thanh con nghien-Hinh-4
 Purdue muốn các bác sĩ hình thành thói quen kê thuốc giảm đau nhóm opioid, để sau đó thuyết phục họ chuyển sang kê OxyContin. Ảnh: Reuters.

Chiến lược kinh doanh chết người
Câu chuyện của bà Panara là ví dụ cho chiến lược kinh doanh chết người mà công ty Purdue Pharma và chủ sở hữu là gia đình Sackler đã cố tình theo đuổi trong hơn hai thập kỷ nay.
Ngoài Purdue, gia đình Sackler còn sở hữu Rhodes Pharma, cũng sản xuất thuốc giảm đau. Tổng cộng, Purdue và Rhodes chiếm 6% thị phần thuốc giảm đau ở Mỹ, lớn thứ 7 ở đất nước cờ hoa.
Cái tên “Sackler” hiện lên trang trọng ở bảo tàng trên khắp thế giới, ở cả những nơi tập trung giới siêu giàu như New York. Nhưng gia đình này cũng “kiếm được nhiều tiền đến mức kinh khủng nhờ bào chế và quảng cáo thuốc opioid”, Mark Chalos, luật sư trong nhiều vụ kiện chống lại Purdue, nói với Financial Times. Tổng giá trị tài sản của họ lên tới 13 tỷ USD, hầu hết là từ dược phẩm, theo ước tính của Forbes.
Thương hiệu OxyContin không phải phát minh hoàn toàn mới của nhà Sackler. Dù mang về hàng tỷ USD cho Purdue, các chất giảm đau như oxycodone và morphine đã được biết đến cách đây nhiều thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ. Nhưng Sackler đã thay đổi cuộc chơi khi tìm ra cách “ép” một lượng lớn oxycodone vào mỗi viên OxyContin, sau đó bán loại thuốc này một cách vô trách nhiệm ra thị trường, trao cho đội ngũ bán hàng những khoản thưởng khổng lồ.
Cong ty duoc Purdue Pharma bien tram nghin nguoi My thanh con nghien-Hinh-5
 Gia đình Sackler đã thay đổi cuộc chơi khi tìm ra cách “ép” một lượng lớn oxycodone vào mỗi viên OxyContin, rồi bán ra thị trường bất chấp rủi ro gây nghiện. Ảnh: AP.
Ban đầu, thuốc chỉ dành cho nhóm người trước nay vẫn cần thuốc giảm đau loại mạnh: bệnh nhân ung thư cuối đời đang trong cơn đau không dứt. Nhưng giữa năm 1996 và 2002, Purdue bắt đầu quảng cáo OxyContin thành thuốc giảm đau phổ thông cho mọi loại bệnh, từ thấp khớp, đau lưng, máu lưu thông kém, đến đau sau phẫu thuật.
Năm 1996, đội ngũ bán hàng nhắm đến 27.000 bác sĩ, y tá chăm sóc bệnh nhân ung thư. Nhưng đến năm 2002, họ nhắm tới tận 160.000 bác sĩ từ mọi khoa, bao gồm đa khoa, thần kinh, sản khoa, chuyên khoa nắn xương. Đến năm 2010, doanh thu từ dòng thuốc này tăng vọt lên 3 tỷ USD mỗi năm, theo Financial Times.
Các bác sĩ kê 51 triệu đơn OxyContin từ 2006-2015, khiến bệnh nhân bị nghiện thuốc. Nhiều người khác tìm cách mua thuốc “chui”. Nhiều người chuyển sang heroin, trong khi tạp chí nội bộ của Purdue tiếp tục biểu dương các nhân viên bán hàng tiêu biểu, thuyết phục thành công những dược sĩ còn hoài nghi chuyển sang kê đơn OxyContin.
OxyContin “tràn ngập” nước Mỹ tạo ra cuộc khủng hoảng chưa từng có. Ngoài gây ra hàng chục nghìn cái chết, chi phí lớn nhất của đại dịch nằm ở việc giữ lấy mạng sống của những con nghiện - ước tính lên tới 500 tỷ USD mỗi năm, cho các dịch vụ y tế, bệnh viện, cảnh sát, trại cai nghiện, bảo vệ trẻ em, theo Financial Times.
Chính quyền các cấp đang kiện Purdue với hy vọng thu hồi nhiều tỷ USD, như cách mà các tập đoàn thuốc lá phải trả 200 tỷ USD năm 1998.
Cong ty duoc Purdue Pharma bien tram nghin nguoi My thanh con nghien-Hinh-6
 Thẩm phán Dan Polster đang xử lý 2.000 vụ kiện từ các chính quyền địa phương các cấp đòi Purdue bồi thường. Ảnh: New York Times.


Theo Trọng Thuấn/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)