Sau 5 phiên tăng liên tiếp kể từ khi chào sàn vào ngày 28/2/2017 (trong đó có 4 phiên tăng trần), cổ phiếu Vietjet Air đã bất ngờ quay đầu giảm điểm vào phiên giao dịch ngày 7/3 và sáng nay (ngày 8/3).
Cụ thể, phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu VJC của Vietjet Air tiếp tục giảm.
Cụ thể, chốt phiên sáng 8/3, cổ phiếu VJC giảm 4.100 đồng xuống còn 128.400 đồng/cổ phiếu. Tổng khối lượng giao dịch trong phiên buổi sáng chỉ ở mức 261.160 đơn vị.
|
Ảnh: Internet. |
Chốt phiên 7/3 trước đó, cổ phiếu VJC giảm 4.900 đồng (tương đương 3,6%), xuống còn 132.500 đồng/cổ phiếu. Khối lượng cổ phiếu VJC khớp lệnh thành công trong phiên này giảm mạnh so với ngày trước đó, từ 1.155.300 đơn vị cổ phiếu trong ngày 6/3 xuống còn 901.520 đơn vị cổ phiếu trong ngày 7/3.
Nếu so với phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 3/3) thì khối lượng cổ phiếu giao dịch thành công trong phiên sáng nay chỉ bằng 1/10 (khối lượng cổ phiếu khớp lệnh thành công trong ngày 3/3 là 2.750.050 đơn vị cổ phiếu).
Trước đó, khi giá cổ phiếu VJC tăng lên 137.400 đồng (chốt phiên giao dịch ngày 6/3), vốn hóa thị trường của Vietjet Air đã lên mức hơn 41.000 tỷ đồng. Con số này đã giúp vốn hóa thị trường của Vietjet Air vượt qua cả Vietnam Airlines – doanh nghiệp cùng trong ngành hàng không nhưng có tuổi đời hơn gấp chục lần Vietjet Air.
Tuy nhiên, sang hôm nay với sự giảm giá 2 phiên liên tiếp, vốn hóa thị trường của Vietjet Air đã giảm về mức 39.750 tỷ đồng, thấp hơn con số 39.772 tỷ đồng của Vietnam Airlines tính tới chốt phiên trưa nay.
Bên cạnh chỉ số kinh doanh và lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng, Vietjet Air khiến giới đầu tư quan tâm bởi những kế hoạch kinh doanh khá “khủng”. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu lạc quan thì Vietjet Air cũng gặp nhiều áp lực. Trong đó, áp lực lớn nhất với Vietjet Air là những rủi ro về tài chính, ngoại tệ đối với các hợp đồng mua máy bay và thuê máy bay. Cụ thể, tính tới nửa đầu năm 2016, số tiền đặt cọc để mua máy bay của Vietjet Air là 4.421 tỷ đồng; tỷ lệ nợ/vốn là 1.72 lần; vốn vay bằng USD của Vietjet Air là 89 triệu. Căn cứ hợp đồng mua thỏa thuận với Airbus và Boeing, các cam kết của Vietjet Air liên quan đến thanh toán cho các máy bay còn lại được giao hàng tại thời điểm tháng sáu năm 2016 là 1,3 tỷ USD (đối với các máy bay Airbus) và 1,05 tỷ USD (đối với máy bay Boeing Aircraft). Ngoài ra, khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu trong tương lai theo hợp đồng thuê không hủy bỏ cho thuê máy bay là 20.592 tỷ đồng cho các kỳ hạn từ 1 năm đến hơn 5 năm cũng là khoản tài chính không nhỏ.
Kế đến, áp lực từ đối thủ cạnh tranh Jetstar Pacific trong thời gian tới là rất lớn khi tháng 7 vừa qua, Jetstar Pacific đã ký hợp đồng mua 10 chiếc Airbus A320 CEO Sharklet sau khi Vietnam Airlines và Qantas Group đầu tư 139 triệu USD vào ngân sách hàng không giá rẻ để mở rộng đội máy bay của mình. Vietnam Airlines cũng chuyển một số đường bay nội địa cho Jetstar Pacific khai thác. Chính vì vậy, Vietjet Air có thể sẽ khó khăn để gia tăng thị phần nhiều hơn và duy trì hệ số tải cao với số lượng lớn các máy bay được chuyển giao trong 5-10 năm tới. Chưa kể, mua quá nhiều máy bay có thể tạo ra tình trạng thừa cung. Hậu quả là, khả năng trung chuyển của Vietjet của có thể giảm đi trong khi chi phí thuê sẽ không được hủy bỏ.