Trong phiên giao dịch ngày 2/3, thị trường chứng khoán trong nước diễn biến khá tiêu cực do ảnh hưởng từ thị trường tài chính quốc tế và tình trạng căng thẳng leo thang tại Ukraine.
VN-Index sau những phút đầu giằng co thì dần ghi nhận lực bán lớn khi chỉ số rơi nhanh từ cuối phiên sáng. Kết thúc phiên, VN-Index giảm 13,26 điểm (-0,88%) về 1.485,52 điểm. Sàn có 137 mã tăng giá và đến 319 mã giảm giá.
Diễn biến tiêu cực cũng xuất hiện trên các sàn ở Hà Nội. Trong đó HNX-Index giảm 1,31 điểm (-0,3%) về 442,25 điểm. UPCoM-Index giảm 0,52% xuống 111,8 điểm.
|
VN-Index rơi mạnh phiên 2/3. Đồ thị: TradingView.
|
Nhóm vốn hóa lớn mà đặc biệt là ngân hàng gây tác động rất xấu đến xu hướng chung. Trong đó rổ VN30 mất 21,5 điểm (-1,42%) với 20/30 mã giảm giá.
Cổ phiếu ngân hàng diễn biến tiêu cực khi phần lớn chìm trong sắc đỏ, mức giảm phổ biến trong phiên khoảng 2-5%. Thậm chí nhóm này có đến 9/10 mã có tác động xấu nhất lên VN-Index trong phiên. Mã còn lại là VHM của Vinhomes.
Trong đó, BID giảm 3,7% về 42.450 đồng, trở thành mã có tác động tiêu cực nhất. Tiếp đến là CTG của VietinBank giảm 3,9% xuống 32.000 đồng, MBB lao dốc 4,4% còn 32.500 đồng, EIB của Eximbank bị bán tháo 5,5% về 32.000 đồng...
|
Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng lao dốc phiên 2/3. Bảng giá SSI.
|
Trong khi đó, cổ phiếu dầu khí lại trụ cột níu giữ thị trường với sắc xanh tràn ngập. Trong đó, GAS của PV Gas tác động tích cực nhất lên chỉ số khi tăng giá 1,3% lên 119.200 đồng.
PVC và PXS tăng hết biên độ, hay PCG cũng lộ giá trần. Cổ phiếu PVO bứt phá 8%, PVS tăng giá 6,6%. Hàng loạt mã dầu khí khác có mức tăng phổ biến 2-5%.
Giá cả hai loại dầu là WTI và Brent đều tăng vọt qua ngưỡng 110 USD/thùng. Trong 30 ngày qua, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt 23,2% và 20,8%. Đây cũng là mức giá cao nhất so với 7 năm trở lại đây.
Cổ phiếu phân bón cũng bứt phá mạnh khi SFG tăng trần và nhiều mã khác tăng 2-6%; nhóm thủy sản cũng tăng mạnh 1-6%. được cho là các mặt hàng có thể hưởng lợi từ căng thẳng tại Ukraine khi nguồn cung bị gián đoạn đẩy giá bán lên cao.
|
Cổ phiếu ngân hàng tác động xấu nhất lên VN-Index. Nguồn: VNDirect.
|
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với tổng giá trị khớp lệnh đạt 34.216 tỷ đồng, tăng 16% so với phiên trước. Riêng giá trị khớp lệnh sàn HoSE tăng 18% lên 29.332 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng có một phiên tiêu cực khi bán ra lượng cổ phiếu 2.275 tỷ và mua vào 1.105 tỷ, tương đương bán ròng đến 1.170 tỷ đồng trên HoSE. Các mã bị xả mạnh nhất là HDB, HPG và CTG.
Diễn biến này cũng khá giống thị trường tài chính tại Mỹ. Hôm qua, chứng khoán Mỹ cũng giảm trên diện rộng khi chiến sự Nga - Ukraine leo thang. Cổ phiếu dầu khí là nhóm duy nhất tăng điểm trong khi cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất.
Trước phiên giao dịch, khối phân tích các công ty chứng khoán vẫn đưa ra quan điểm khá thận trọng về thị trường do những biến số từ các sự kiện trên thế giới.
Chứng khoán VCBS dự báo VN-Index tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực của đường trung bình động 20 ngày (quanh vùng 1.480 điểm), nhưng mặt khác thì áp lực chốt lời tiếp tục gia tăng tại ngưỡng 1.500 điểm và chỉ số tạm thời chưa tìm được động lực để bứt phá khỏi mốc cản này.
Chứng khoán Rồng Việt nhận định thị trường vẫn ở trong trạng thái thận trọng và thăm dò cung cầu. Với áp lực chốt lời đang hiện hữu thì nhà đầu tư vẫn cần cân nhắc các yếu tố rủi ro, đồng thời nên cân nhắc giữ tỷ trọng danh mục ở mức an toàn để phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra.
Chứng khoán MB khuyến nghị hạn chế chiến lược lướt sóng, các phiên điều chỉnh vẫn là cơ hội để cơ cấu danh mục và tăng tỷ trọng ở nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, dầu khí, nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công.