Câu chuyện về ngư dân Bạch Quang Liễu (69 tuổi, ngụ thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có đôi tai nghe được tiếng cá kêu tưởng chừng là chuyện đùa, nhưng lại được hầu hết những người dân trong ngoài làng kiểm chứng không ngừng truyền tai nhau.
Cũng nhờ khả năng đặc biệt đó, từ nhiều năm trước gia đình ông từ hộ chài nghèo dần phất lên có cuộc sống no đủ, nuôi nấng được 9 người con được ăn học thành người.
Bốn đời lặn biển “nghe” cá
Đến làng chài Phước Hải, hỏi về ông Liễu có biệt tài “nghe” được cá “nói chuyện” không ai là không biết. Một người đàn ông trung tuổi không ngừng chép miệng tỏ vẻ nể phục cho hay “ở làng chài này muốn kiếm thợ lặn “nghe” cá thì không hiếm nhưng thợ ở trình “nghe” đẳng cấp cao thủ chỉ có chú Bảy Liễu mà thôi.
Hồi trước tui và nhiều thanh niên khác trong làng cũng xin đi theo chú học nghề nhưng khổ luyện mãi vẫn lúc ăn lúc thua. Cho đến bây giờ, dù chú đã nghỉ nghề đi biển nhưng vẫn chưa có ai có thể vượt mặt được chú về biệt tài “nghe” cá đoán loài, chốt số lượng chuẩn xác đến 97% như vậy”.
|
Ngư dân Bạch Quang Liễu.
|
Người dân vạn chài trong làng vẫn thường quen thuộc gọi ông là chú Bảy Liễu. Sức vóc còn vạm vỡ khỏe mạnh, đôi mắt tinh tường và giọng nói rõ to, ít ai ngờ rằng ông đã 69 tuổi. Ông nở nụ cười, khiêm tốn kể về mình:
“Tui đã nghỉ đi lặn 11 năm rồi. Giờ đã tuổi cao, được bà con trong làng tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố Hải Tân và kiêm Phó Ban tổ chức Dinh Ông Nam hải kể cũng vui, vì vẫn được chạy lui chạy tới. Chứ nếu không làm gì chắc tui nhớ nghề đến cuồng chân.
Còn nói về hai từ “bậc thầy” tui không dám nhận, âu cũng là cái nghề cái nghiệp nó vận vào người từ lúc cha mẹ sinh ra, không phụ lòng cha ông truyền dạy là tui mãn nguyện lắm rồi”.
Ông Liễu vốn sinh ra trong gia đình làng chài nghèo đông anh chị em. Dù thời đó, người cha thân sinh ra ông là thợ lặn đi biển có tiếng nhất trong vùng nhưng nhà ông vẫn thuộc vào diện hộ nghèo nhất làng. Ông kể: “Bởi hồi đó kinh tế còn khó khăn, một kg hải sản bán chẳng được nhiêu tiền. Anh em tui lại đông, trong nhà ngót nghét 15 miệng ăn làm sao một mình cha tui kham nổi”.
Từ nhỏ ông đã phải theo mẹ và các chị đi mót cá, cào ngao mưu sinh. 9 tuổi, ông và các anh đã nắm những lý thuyết đi biển do cha truyền dạy. Năm 12 tuổi, ông bắt đầu theo cha và các anh dong buồm theo những chuyến đi biển xa nhà. Lão ngư nhớ lại: “Nghe cha kể, ông nội của tui vốn là thợ lặn có tài “nghe” cá cực đỉnh. Chính ông là người truyền lại những kinh nghiệm để đời ấy cho cha, rồi sau này cha lại truyền nghề cho anh em tui”.
Sau nhiều năm được theo cha rèn giũa giữa biển cả, trong số các anh em trai, chỉ mỗi ông Bảy Liễu là tinh nhanh nắm được những tinh hoa của nghề. Năm 17 tuổi ông đã trở thành một ngư dân thực thụ sống được nhờ biển cả, đặc biệt nhờ vào nghề “nghe” cá. Tài “nghe” cá của chàng thanh niên lúc bấy giờ được hàng chục ghe thuyền “săn đón”, sẵn sàng chi trả những khoản tiền hậu hĩnh để mời bằng được ông về phía mình.
Ít năm sau, ông lập gia đình, 9 người con lần lượt ra đời. Dù cuộc sống còn nhiều bấp bênh, nhưng chưa một lần ông để các con phải thất học, trừ trường hợp lực học của con quá yếu. Trong số những người con của ông, khi lớn lên đều theo những nghề nghiệp khác nhau.
Đến nay chỉ có hai người con trai là anh Bạch Hồng Hòa (46 tuổi) và Bạch Hồng Thái (38 tuổi) vẫn nối theo nghiệp cha, cũng được mệnh danh là thợ lặn có tài “nghe” đoán cá hiếm ai bì được. “Nghề tổ tiên, cha ông truyền lại, nên dù có khó khăn vất vả tui cũng hi vọng các con cố gắng giữ nghề”.
Khổ luyện giữa biển
Theo ông Liễu, trước đây ở làng chài Phước Hải có khoảng 10 người sống được bằng nghề “nghe” cá, đến nay số người còn “bám” nghề chỉ còn khoảng 4 đến 5 người. “Nghề này là nghề dân gian, do cha ông tổ tiên truyền lại nên ai cũng có thể học, nhưng học để sống được bằng nghề thì không phải là chuyện dễ dàng.
Trước đây, đa phần nhiều thanh niên tìm đến tui nhờ truyền nghề nhưng được một thời gian thì lại bỏ giữa chừng vì không chịu đựng được gian khổ, hoặc cũng có nhiều người không tiếp thu được nên đành an phận kéo lưới trên thuyền”.
Lão ngư cho hay, nghề thợ lặn “nghe” cá đã có từ xa xưa, không ai biết cụ thể từ khi nào và không thể xác định được ai là ông tổ của nghề. Ông giải thích: “Từ nhỏ tui đã được nghe kể lại, thời xưa công cụ đánh bắt chưa hiện đại như bây giờ nên hiệu quả đánh bắt thấp, ông cha đã nghĩ ra cách quấn thức ăn vào quanh mình rồi nhảy xuống biển để làm mồi dụ đàn cá đến.
Khi cá đã bu quanh mình, người thợ lặn ở dưới nước chỉ cần ra hiệu để những người còn lại trên thuyền bủa lưới. Có lẽ sau nhiều lần ngâm mình dưới nước, người thợ phát hiện ra âm thanh của từng đàn cá, loài cá phát ra đều khác nhau. Cộng thêm kinh nghiệm đi biển lâu năm với những đặc trưng của từng dòng chảy, họ đã đúc rút được kinh nghiệm đoán luồng cá khá chính xác. Từ đó nghề “nghe” cá được hình thành”.
Điểm đặc biệt của nghề lặn “nghe” cá là không cần bất kỳ công cụ gì để hỗ trợ ngoài đôi tai thính, kinh nghiệm đi biển, trí óc phân tích âm thanh cực nhanh và một chút sự may mắn. “Sáng sớm thợ lặn chỉ cần theo tàu thuyền ra ngư trường. Khi đến nơi thì cởi bỏ quần áo rồi lao mình xuống mặt biển và vểnh tai lắng nghe. Đó là thời điểm phải tập trung để nghe âm gió mà cá phát ra khi bơi. Mỗi loài cá cũng phát ra những âm gió khác nhau.
Những loài cá như cá ngao vàng, ngao trắng, cá sóc nanh, sóc trắng, cá đù, cá đỏ dạ sẽ phát ra tiếng kêu lớn vì chúng thường tụ lại đi theo đàn với số lượng nhiều. Trong đó, người giỏi nghề sẽ phân biệt được cá ngao vàng kêu tục tục, ngao trắng cũng vậy nhưng tiếng kêu đậm hơn, cá sóc nanh kêu cụp cụp, còn cá sóc trắng lại có tiếng kêu túc túc... Cũng có loài cá không có tiếng kêu đặc trung như cá nấu (cá trích, cá thu ẩu), cá rựa vì chúng thường đi theo đàn với số lượng ít.”
“Dựa vào những kiến thức, kinh nghiệm đó thợ lặn có thể đoán biết phương hướng nơi nào có đàn cá, số lượng đàn lớn đến bao nhiêu tùy theo âm thanh to hay nhỏ. Sau khi phân tích, chốt được phương hướng, số lượng và loài thì người thợ chỉ cần rung chiếc cờ để ra hiệu cho những thuyền viên còn lại trên thuyền giăng lưới”. Với kinh nghiệm hơn 50 năm trong nghề, ông khẳng định có thể nghe và đoán luồng cá trong bán kính đến 1,5 km, xác suất đúng đến trên 97%.
Kể về những kỷ niệm trong nghề, ông Liễu cho hay: “Khi còn trẻ, có những mùa cá “đắt sô” tui kiếm được cả trăm triệu đồng, còn bình thường vẫn được 40 - 50 triệu đồng/tháng. Đối với gia đình tui đó là một khối tài sản lớn, không chỉ giúp các con tui được đến trường, ổn định kinh tế mà dần có của ăn của để, xây cất được nhà cửa khang trang.
Tui nhớ mãi chuyến cùng chủ tàu đi đánh bắt xa bờ, tận mãi mũi Cà Mau. Ở vùng biển đó người ta không biết đến nghề này nên cá tôm còn rất dồi dào. Tui lặn xuống lần nào là trúng đậm lần đó. Lần đó trở về, tui được chủ ghe thưởng đậm”.
Nghề “nghe” cá chỉ sống được từ tháng giêng (âm lịch) đến tháng 9 (âm lịch) hàng năm. Những tháng còn lại biển động, sóng to gió lớn (người dân địa phương thường gọi là mùa gió chướng – PV) không thể ra khơi. Đối với những khó khăn trong nghề, ông Liễu cho hay, không có nguy hiểm gì lớn nhưng rất cực nhọc. Bởi phải trực tiếp ngâm mình dưới nước chịu nắng, mưa, lạnh đến cắt da cắt thịt trên suốt hành trình đánh bắt.
“Để đạt được đến độ chuyên nghiệp nghe đâu chuẩn đó, tui phải khổ luyện trong nhiều năm ròng rã. Phải dậy từ 4h sáng để hụp lặn trước, tìm vị trí, nơi này không có thì ra hiệu để thuyền đến nơi khác. Cũng không ít lần xui rủi, hụp lặn cả ngày, di chuyển hàng chục hải lý, nhảy xuống biển hàng chục lần mà vẫn không đánh được mẻ nào. Nhưng chỉ cần kiên trì, nhẫn nại, thường chỉ ngụp lặn đôi ba lần là cá đã đầy khoang”.