Tại cuộc tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững” do Cổng thông thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức, chuyên gia kinh tế - TS. Trần Thọ Đạt cho rằng vàng SJC "một mình một chợ", dẫn đến có thời điểm chênh lệch khoảng 20 triệu đồng/lượng so với giá thế giới. Đây là một điều rất bất hợp lý.
Theo ông Đạt, Ngân hàng Nhà nước chỉ nên thực hiện quản lý và hoạch định hành chính, chính sách, điều tiết, dự trữ ngoại hối bằng vàng theo các pháp lệnh hiện hành mà không tham gia sản xuất kinh doanh và điều tiết thị trường vàng và các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự vào quá trình kinh doanh vàng, trả lại việc kinh doanh vàng cho thị trường.
Thị trường vàng Việt Nam đã đến lúc phải liên thông với thị trường thế giới, phải loại bỏ chênh lệch giá, đặc biệt là chênh lệch giá vàng SJC như hiện nay bằng các giải pháp thị trường, sản xuất vàng miếng phải trao cho thị trường.
Đồng thời, chính sách quản lý thị trường vàng tiến tới tự do hóa xuất nhập khẩu thông qua quản lý thị trường hàng hóa, Nhà nước chỉ điều tiết về chính sách như các nước khác trên thế giới.
Một việc nữa là phải sớm chuyển đổi thị trường vàng vật chất sang thị trường vàng kỳ hạn, giao dịch thông qua các hợp đồng.
|
Theo chuyên gia, đã đến lúc bỏ thuế độc quyền vàng miếng SJC có thể là giải pháp để thị trường vàng có thêm 400 tấn vàng đang nằm trong két người dân. (Ảnh minh họa). |
Theo ông Đạt, nhiều nước cho phép huy động vốn thông qua chứng chỉ, chứng nhận vàng do Nhà nước - Ngân hàng Nhà nước phát hành để đảm bảo an toàn. Việc mua bán chứng chỉ, chứng nhận vàng phải tuân theo quy luật chặt chẽ vì đây là loại hàng hóa đặc biệt.
“Chúng ta đã ước tính có khoảng 400 tấn vàng vẫn nằm trong két của người dân. Con số lớn cần huy động thành nguồn lực tài chính trong sự phát triển kinh tế, xã hội”, ông Đạt nói.
Nhưng để huy động được nguồn lực này và xây dựng được thị trường vàng trong tương lai, ông Đạt đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng các điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với thị trường vàng mà chúng ta đề xuất là Sở giao dịch vàng.
TS.Trần Thọ Đạt Đạt nêu quan điểm: "Thời gian tới, cần sớm tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước để cho phép Sở Giao dịch Hàng hóa được giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua các loại hợp đồng, như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới nhưng đồng thời các thành viên tham gia phải đáp ứng được tiêu chuẩn chặt chẽ và được phép xuất nhập khẩu vàng căn cứ vào các điều kiện hợp đồng...".
Với vàng trang sức, ông Đạt đề xuất, nên trở lại mức thuế suất 0% thì thị trường vàng trang sức của chúng ta mới có sự cạnh tranh với các nước trong khu vực. Thêm nữa, việc kinh doanh mặt hàng này nên trở thành điều kiện bình thường, không cần có điều kiện.