Thực phẩm bẩn lưu hành trên thị trường
Ngày 8/8, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 9 thuộc Cục QLTT TP HCM phối hợp UBND Phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh trên địa bàn phường.
Đoàn kiểm tra phát hiện thực phẩm đông lạnh không có nhãn hàng hóa theo quy định, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Lực lượng chức năng đã tạm giữ 400 kg lòng heo, nầm heo đông lạnh, tổng trị giá hàng hóa vi phạm căn cứ theo giá niêm yết gần 40 triệu đồng.
|
Lực lượng QLTT kiểm tra, tạm giữ 400 kg dồi trường heo, vú heo đông lạnh không rõ nguồn gốc. Nguồn: QLTT TP HCM. |
Trước đó, cuối tháng 7/2024, cũng tại địa bàn phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, Đoàn kiểm tra thuộc Đội QLTT số 9 phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh, phát hiện kinh doanh thực phẩm đông lạnh không có nhãn hàng hóa theo quy định, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
Lực lượng chức năng tạm giữ 140 kg mề gà, chả cá đông lạnh, tổng trị giá hàng hóa vi phạm căn cứ theo giá niêm yết gần chục triệu đồng. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản đối với đơn vị vi phạm, tạm giữ hàng hóa xử lý theo quy định pháp luật.
Cuối tháng 4/2024, Đội QLTT số 3 phối hợp Đội 7 - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP HCM, kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm tại phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, phát hiện 7.800 kg nội tạng đông lạnh các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cục QLTT TP HCM ra quyết định xử phạt 180 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật.
Đó chỉ là một số vụ việc đã được lực lượng QLTT TP HCM phát hiện, xử lý. Nếu không ngăn chặn kịp thời, hàng thực phẩm đông lạnh trên sẽ nhanh chóng được di chuyển, tiêu thụ tại quán cơm bình dân hoặc quán nhậu, xe đẩy ăn vặt ở vỉa hè, lề đường, tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe cho người sử dụng.
|
Lực lượng QLTT tạm giữ 140 kg mề gà, chả cá đông lạnh không rõ nguồn gốc. Nguồn: QLTT TP HCM. |
Nâng cao ý thức của người dân
Theo các chuyên gia, việc sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thực phẩm, đặc biệt là vấn đề về sức khỏe. Nhiều sản phẩm đông lạnh được “hô biến” từ thịt ôi thiu, không đảm bảo vệ sinh, khi sử dụng rất dễ gây ra tình trạng ngộ độc, đau bụng, buồn nôn…
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thực phẩm đông lạnh thường là thịt, cá, tôm, cua và thức ăn có nguồn gốc động vật. Những thực phẩm này nhiều đạm nên rất dễ bị phân hủy, ôi thiu. Người tiêu dùng không nên sử dụng đồ đông lạnh quá hạn, vì trong đó có chứa rất nhiều vi khuẩn độc hại gây bệnh.
|
Nhiều nơi rao bán thực phẩm đông lạnh không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Nguồn: IT. |
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng - Y học Vận động Nutrihome - cũng khuyến cáo, cần quan sát kỹ trước khi chọn mua hàng đông lạnh. Hạn chế mua hàng nội tạng đông lạnh vì chứa nhiều độc tố. Khi mua sản phẩm đông lạnh, người tiêu dùng cần phải kiểm tra kỹ thông số ghi trên bao bì sản phẩm, không chọn loại không có nhãn mác, không ghi hạn sử dụng.
Việc kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ ở quán ăn cũng có thể gây hậu quả xấu cho sức khỏe của người sử dụng. Do đó, trường hợp kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Nguyễn Văn Lập, Đoàn Luật sư TP HCM, Khoản 13, Điều 3, Nghị định 98/2020 được sửa đổi bổ sung Nghị định 17/2022, quy định: “Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.
“Quy định mức phạt đối với hành vi vi phạm kinh doanh, buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể lên đến 200 triệu đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Đây là mức phạt đối với người vi phạm là cá nhân. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường”, luật sư Nguyễn Văn Lập cho hay.
Đặc biệt, người vi phạm sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong những hành vi tương tự, có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 317, Bộ luật Hình sự.