Đầu giờ chiều nay (8/6), Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội. Một trong những nội dung của phiên chất vấn là vấn đề phát hành trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập trong thời gian vừa qua.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng, thời gian qua, nhiều vụ việc sai phạm trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp, theo Bộ trưởng, có phải một phần nguồn cơn trên chính là sự yếu kém, bất cập của các cơ quan chức năng.
Bộ trưởng có giải pháp gì để làm lành mạnh hóa thị trường, thay vì các quy định siết chặt theo tinh thần là "không quản được thì cấm" ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thị trường?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, hiện nay không có chủ trương nào nói về vấn đề siết chặt, hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp. Bởi vì, trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn rất hiệu quả, cùng với các ngân hàng thương mại để huy động vốn cho các doanh nghiệp, đóng góp vào sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc huy động này phải đúng pháp luật, minh bạch, không được lợi dụng việc huy động này để sử dụng tiền sai mục đích, đưa tiền này vào bất động sản hay các mục đích khác, mà không đóng góp cho nền kinh tế.
|
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: QH |
"Hiện nay quy mô trái phiếu doanh nghiệp khoảng độ 1.374.000 tỉ, chiếm khoảng 15% GDP. So với mục tiêu chiến lược mà Thủ tướng Chính phủ ban hành, đến năm 2025, chúng ta phải đạt được 20% và đến năm 2030 đạt được 25%.
Hiện mới đạt 15%, tức là đang ở ngưỡng cho phép. So với các nước xung quanh, trái phiếu doanh nghiệp của chúng ta huy động đang ở mức thấp nhất và đang có dư địa để thực hiện, tuy nhiên, việc huy động phải minh bạch và phải đúng pháp luật", Bộ trưởng Phớc cho hay.
Còn duy nhất Tân Hoàng Minh chưa trả được nợ trái phiếu
Với trái phiếu doanh nghiệp, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) đặt câu hỏi, Bộ Tài chính vừa thanh tra 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ, trong đó có 57 doanh nghiệp thua lỗ và 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu cao;
Có doanh nghiệp phát hành gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu; có doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất lên đến 13%; có doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu 153 tỉ nhưng phát hành 7.200 tỉ đồng. Vậy cần có những giải pháp quản lý như thế nào để thị trường trái phiếu doanh nghiệp không phát sinh tiêu cực?
Trả lời câu hỏi này, Trưởng ngành Tài chính cho rằng, hiện nay còn duy nhất trường hợp Tân Hoàng Minh chưa trả được nợ khi huỷ giao dịch. Còn các doanh nghiệp khác khi đến hạn đều trả được nợ. Có nghĩa là dòng trái phiếu doanh nghiệp này vẫn chu chuyển bình thường.
"Chúng tôi là cơ quan hành pháp, phải thực hiện theo đúng luật pháp. Căn cứ vào Luật Chứng khoán và Nghị định 153, phần trái phiếu phát hành riêng lẻ, gần như cơ quan quản lý chuyên ngành không cấp phép và không quản lý. Có nghĩa, chúng ta trao quyền cho doanh nghiệp và doanh nghiệp hoàn toàn có quyền tự do kinh doanh, phát hành trái phiếu.
Trong Luật Chứng khoán cũng không đưa ra điều kiện phát hành trái phiếu, cần doanh nghiệp có lãi hay cần tài sản đảm bảo? Cho nên, khi thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, doanh nghiệp phát hành trái phiếu và sau đó sẽ trả trái phiếu cho nhà đầu tư, nhưng phải phát hành theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.
Những trường hợp bị xử lý trong thời gian qua đều là những trường hợp phát hành không đúng quy định của pháp luật", Bộ trưởng cho hay.