Người đi 'nhặt rác' sau Tết
Sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, đường phố Hà Nội xuất hiện nhiều người đi nhặt lại cây quất vứt bỏ của các hộ gia đình. Đó hầu hết là những người dân trồng quất cảnh ở Văn Giang (Hưng Yên). Trong số họ, chỉ có ít người biến những cây quất cạn sức sống thành cây xanh tươi tốt đem lại thu nhập cao trong dịp Tết năm sau.
Năm nay là năm đầu tiên anh Thiều Hữu Luân (29 tuổi, ở xã Thắng Lợi, Văn Giang, Hưng Yên) đi xin cây quất của người dân Hà Nội vứt đi mang về trồng. Và đến cuối năm, anh đã chăm sóc thành công 100/200 cây, giúp anh có thu nhập vài chục triệu đồng khi bán buôn cho khách chơi quất cảnh dịp Tết Nguyên đán 2019.
“Tôi đi xin cây quất bỏ đi của người dân ở quanh khu vực huyện Thanh Trì, Thường Tín, Hà Nội. Họ hầu hết là cho không chúng tôi, có người còn cảm ơn vì đã dọn rác cho gia đình. Có cây quất nào to, đẹp lắm thì tôi đưa họ vài chục nghìn đồng”, anh Luân cho hay.
|
Những người thợ trồng quất Văn Giang đi qua đò để về nhà sau khi xin được quất của người dân Hà Nội vứt bỏ sau Tết Nguyên đán 2018. |
Theo anh Luân, việc chăm cây đi xin về rất khó vì rễ cây rất yếu, thân cành lá héo rũ như bị chết. Tuy nhiên, nếu vượt qua được 2 giai đoạn là hồi phục rễ cây và bắt quả vào tháng 5 thì sẽ thành công.
Với giai đoạn phục hồi rễ cây, khi xin được cây về thì phải trồng ngay xuống đất, tưới nước, cắt tỉa cành lá, phun thuốc kích rễ…
Sau đó, đến giai đoạn thứ 2 vào khoảng tháng 5, thì phải bắt quả cây chuẩn xác để cây ra hoa, quả, vào đúng dịp Tết Nguyên đán.
“Vào thời điểm này, chúng tôi phải đi vặt hoa, vặt lộc để cho quả chín về Tết. Nói thì dễ thế thôi nhưng rất khó, như mình để hoa vào tháng 5, cây mà khỏe thì nó lại đẩy hết đi, cây yếu thì lại không ra hoa. Vậy nên phải làm sao cho cây không khỏe quá, mà cũng không yếu quá”, anh Luân chia sẻ.
Anh Luân cho hay, với việc trồng cây đi xin sẽ đỡ được thời gian chăm sóc, vốn mua cây giống.
'"Việc trồng cây quất đi xin thì chủ yếu mất công sức, sự tỉ mỉ và giúp bớt được khoản tiền cây giống, thời gian chăm sóc", anh Luân cho hay.
Anh Luân cho biết: "Với 100/200 cây quất đi xin trồng thành công, vụ Tết này tôi bán buôn thu được khoảng 30 triệu đồng".
Gia đình anh Hiểu Mận trú cùng thôn cho biết, năm nay, anh chăm được 150/300 cây quất bỏ đi. 150 cây này Tết năm nay cho thu nhập gần trăm triệu đồng.
Cách phù phép đối với quất đi xin của những 'phù thủy' cao tay
Đứng giữa vườn quất cảnh với nhiều loại như quất thế, quất tán đẹp mã, anh Trần Tuấn Anh (41 tuổi, ở xãThắng Lợi, Văn Giang, Hưng Yên) cho biết, nơi đây đều là quất anh đi xin vụ Tết 2018. Đã ba năm nay, anh đều thắng đậm nhờ quất đi xin mang về trồng.
Trong tháng Giêng vừa qua, anh Tuấn Anh đã đi xin được 260 cây đem về trồng. Anh chỉ xin những cây có bầu đất chắc chắn, đủ sức để hồi phục.
Anh Tuấn Anh chia sẻ, anh đã chăm sóc thành công 240/260 cây "vứt đi" hồi đầu năm. Tới nay, 240 cây này cho anh thu nhập khoảng 80 - 90 triệu đồng. "Trừ chi phí phân bón, mình cũng lãi hơn một nửa", anh Tuấn Anh chia sẻ.
Bí quyết giúp anh kiếm được vài chục triệu nhờ cây rác vứt đi là việc biết cách cho cây ăn đúng cách.
“Cho cây ăn thì phải cho ăn vào ngày trời nắng, chứ vào mùa mưa là cây thối hết rễ”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Theo anh Lê Đình Toản, một chủ vườn cũng đi xin quất về trồng thành công cho hay, việc cho cây ăn đúng thời điểm là rất cần nhưng chọn đúng loại "thức ăn" cũng không kém phần quan trọng.
“Người trồng quất ai cũng biết 'thức ăn' là phân lân và đỗ tương ngâm. Nhiều người họ cho phân lân nhiều hơn đỗ tương và đôi khi là cho ăn không đúng thời điểm khiến cây bị hỏng”, anh Toản chia sẻ.
Vườn quất nhà anh Toản năm nay trồng 4 sào quất, với 2 sào quất đi xin đã giúp anh tiết kiệm được 30 triệu đồng tiền cây giống.
"2 sào trồng cây quất đi xin, tôi trồng thành công 350/400 cây, sẽ mang lại giá trị khoảng 80-90 triệu đồng. Còn 2 sào quất tôi mua cây giống trồng, thu nhập cũng khoảng 80-90 triệu đồng nhưng trừ tiền mua giống đã mất 30 triệu đồng", anh Toản nói.