Trước đó, từ giữa tháng 3, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) nhận được thông tin từ Viện BVTV khẳng định bệnh khảm lá mì đã xuất hiện, gây hại nặng ở Campuchia, Lào.
Tốc độ lây lan chóng mặt
Để ngăn chặn loại bệnh nguy hiểm này lây lan vào Việt Nam, Cục BVTV đã gửi thông báo đến các đơn vị sở, ngành địa phương. Đến cuối tháng 6, tỉnh Tây Ninh chính thức công bố dịch lây lan ở 3 huyện biên giới.
|
Hình ảnh nhận dạng bệnh khảm lá cây mì. Ảnh Hoàng Thi. |
Cụ thể, ngày 26.7, khoảng 1.570ha mì nhiễm bệnh khảm lá ở các huyện Tân Châu, Tân Biên và Châu Thành. Đến ngày 27.7, riêng huyện Châu Thành công bố dịch trên 185ha bị nhiễm. Cùng ngày, UBND tỉnh Tây Ninh ký công văn triển khai dập dịch bệnh khảm lá mì.
Đến ngày 30.7, dịch khảm lá mì lan xuống địa bàn Thành phố Tây Ninh. Hiện tại, Gò Dầu và Hòa Thành là 2 huyện tiếp theo ghi nhận đã lây nhiễm dịch.
Ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện nay xã Tân Hưng (huyện Tân Châu) cũng đã phát hiện diện tích mì bị nhiễm bệnh. Đây là địa phương giáp với vùng trồng mì chưa nhiễm bệnh ở xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu).
Tại xã Suối Đá, ông Võ Văn Ten, nông dân giỏi Việt Nam 2017 tỏ ra lo ngại cho biết virus gây khảm lá mì là đối tượng dịch hại mới, lần đầu tiên xuất hiện và gây hại ở tỉnh nhà.
|
Nông dân Tây Ninh tiến hành tiêu hủy cây mì bị lây nhiễm bệnh khảm. Ảnh Minh Dương. |
Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng sắn lớn nhất nước với diện tích hàng năm đạt khoảng trên dưới 40.000ha. Tính đến ngày 31.7, toàn tỉnh có trên 4.000ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá, chiếm hơn 10% diện tích mì của cả tỉnh.
Căn bệnh nguy hiểm
Theo Cục BVTV, bệnh lây lan qua môi giới truyền bệnh là con bọ phấn trắng và việc hom giống nên có nguy cơ gây hại nghiêm trọng các vùng trồng sắn cả nước.
Bọ cánh trắng gây hại trên nhiều loại cây trồng như cây thuốc lá, bông, cà, bầu bí, khoai tây, ớt… Bọ chích hút nhựa cây, hút cả virus vào cơ thể. Khi chích hút vào cây khỏe sẽ lan truyền cả virus gây bệnh.
Virus này cũng tồn tại trong thân, lá, củ nên khi lấy thân cây làm giống cho vụ sau, virus tiếp tục nhân lên trong hom giống. Củ mì nhiễm virus còn sót lại thì khi mọc mầm cũng bị xoăn lá và là nguồn bệnh nguy hiểm trên đồng ruộng.
“Đáng chú ý, đối với giống mì HLS11, bệnh khảm lá phát triển rất mạnh. Đây là giống chưa được công nhận, mật độ bọ phấn trắng trên ruộng cao hơn các giống khác như KM 419, KM 140…”, ông Ten nhận định.
Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV, biện pháp phòng trừ cấp bách hiện nay là không cho phép nhập khẩu vật liệu mì làm giống từ Campuchia, Lào vào Việt Nam; kiểm dịch chặt chẽ các lô củ mì tươi nhập khẩu không được mang theo thân, lá. Trong nội địa, không cho vận chuyển thân, lá sắn ra khỏi nơi nhiễm bệnh; hay từ tỉnh, vùng này qua tỉnh, vùng khác.
Với ruộng mì chưa thu hoạch có tỷ lệ tỷ lệ nhiễm bệnh trên dưới 70%, biện pháp tiêu hủy là thu gom và đốt; tùy vào mức độ mà nhổ bỏ từng cây hoặc nhổ toàn bộ ruộng. Với ruộng mì có khả năng thu hoạch thì nhổ toàn bộ cây, tận thu củ còn lại thân lá đem tiêu hủy.
Ông Võ Đức Trong cho biết, trước tình hình dịch bệnh khảm lá cây mì diễn biến nhanh, diện tích nhiễm bệnh tăng từng ngày, Ban chỉ đạo phòng chống dịch khảm lá cây mì của tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ dập dịch.