Vừa qua, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2018. Đáng lưu ý, trong báo cáo có đề cập thông tin liên quan đến vụ kiện với nguyên đơn là Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư FPT hay FPT Capital.
Theo đó, ông Đoàn Nguyên Đức, còn gọi bầu Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cam kết có đủ khả năng thực hiện các nội dung trong hợp đồng tùy vào phán quyết của tòa án mà không yêu cầu công ty phát sinh thêm nghĩa vụ nào khác liên quan đến hợp đồng cam kết này.
|
Ông Đoàn Nguyên Đức cam kết có đủ khả năng thực hiện các nội dung trong hợp đồng với FPT Capital. Ảnh: chụp màn hình BCTC HAGL 2018. |
Như vậy, nếu thua kiện và buộc phải trả cho FPT Capital số tiền hơn 141 tỷ đồng, bầu Đức sẽ là người tự đứng ra trả tiền trong khi phía
Hoàng Anh Gia Lai sẽ không phải chịu khoản chi phí nào.
Báo cáo tài chính của Hoàng Anh Gia Lai chỉ rõ, tại ngày 32/12/2018, Tập đoàn đang là bị đơn trong vụ kiện tranh chấp Hợp đồng góp vốn được ký kết ngày 19/12/2011 giữa Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu từ FPT (FPT Capital), Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (tiền thân là Tổng Công ty Cổ phần Cao su Hoàng Anh Gia Lai hay HAG Rubber). Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn và Tập đoàn mà FPT Capital đang khởi kiện yêu cầu Tập đoàn mua lại toàn bộ 2,2 triệu cổ phiếu của HAG Rubber mà FPT nắm giữ với giá trị yêu cầu là 141 tỷ đồng.
Mời độc giả xem video: Bầu Đức và hành trình đầu tư cho bóng đá. Nguồn: Youtube.
Theo các nội dung trong các Hợp đồng góp vốn có yêu cầu, trong mọi trường hợp và vào bất kỳ thời điểm nào sau 6 tháng kể từ ngày HAG Rubber thực hiện niêm yết (ngày 10 tháng 7 năm 2015), Tập đoàn có nghĩa vụ mua lại toàn bộ số cổ phần HAG Rubber mà FPT nắm giữ trong trường hợp ông Đoàn Nguyên Đức không thực hiện cam kết này.
|
Bầu Đức sẽ chi hơn 141 tỷ đồng giải quyết vụ kiện với FPT Capital nếu cần. Ảnh: Internet. |
Tuy nhiên, phía Hoàng Anh Gia Lai cho rằng giá trị 141 tỷ đồng của hơn 2,2 triệu cổ phiếu của HAG Rubber do FPT Capital yêu cầu mua lại theo cách tính toán của quỹ này là chưa hợp lý. Trong khi đó, hợp đồng đang có một số vấn đề pháp lý chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Vì thế, phía HAGL đã không chấp nhận đề nghị. Hai bên không tìm được tiếng nói chung nên FPT Capital đã khởi kiện ra tòa.
Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất cho biết, theo đánh giá của Ban giám đốc tại ngày báo cáo tài chính hợp nhất này, các điều khoản của các hợp đồng cam kết thanh toán nêu trên có các nội dung vi phạm pháp luật dẫn đến vô hiệu hợp đồng cam kết.
Trước đó, ngày 19/12/2011, FPT Capital và CTCP Cao su Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Rubber, nay chuyển đổi thành CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) đã ký Hợp đồng góp vốn với tổng giá trị góp vốn 76,5 tỷ đồng, tương ứng 1,5 triệu cổ phiếu giá 51.000 đồng/cổ phiếu. Tháng 6/2015, HNG phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 49,5% nâng tổng số cổ phần của FPT Capital lên hơn 2,2 triệu.
Công ty CP Cao su Hoàng Anh Gia Lai - HAG Rubber được thành lập khi tập đoàn HAGL thực hiện chương trình tái cấu trúc năm 2010. Tháng 4/2015, Công ty Cổ phần Cao su Hoàng Anh Gia Lai đổi tên thành Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia lai - HAGL Agrico (mã HNG), đồng thời sáp nhập Công ty Cổ phần Bò sữa Tây Nguyên, mở rộng hoạt động kinh doanh.
FPT Capital thành lập năm 2007 có vốn điều lệ 110 tỷ đồng, là công ty liên kết của Công ty Cổ phần FPT (nắm giữ 25% vốn).