Bún ốc Liễu Châu là đặc sản của vùng đất Liễu Châu, Trung Quốc. Món ăn này nổi tiếng nhờ hương vị hấp dẫn, được lòng nhiều thực khách trong đó có cả người Việt. Ở nước ta, món bún ốc này cũng được bán theo dạng gói bún ăn liền với giá từ 42-75 nghìn đồng/gói.
Dù hương vị thơm ngon nhưng món ăn này lại có điểm trừ về… mùi hương. Món ốc có mùi hôi đặc trưng, ám mùi lâu và dễ khiến những ai mới ăn lần đầu phải “chùn bước”. Mùi khó ngửi này chủ yếu xuất phát từ nguyên liệu măng chua có trong bún ốc. Nhưng chính thứ mùi đặc biệt này lại là yếu tố sản sinh ra 1 nghề thu nhập tiền tỷ ở Trung Quốc – nghề ngửi mùi hôi của măng chua trong bún ốc.
Anh Lý Vĩnh Quốc (41 tuổi), người Quảng Tây, Trung Quốc đã bắt đầu theo nghề này từ năm 2005. Anh được mệnh danh là “chiếc mũi vàng” vì chỉ cần ngửi là biết được độ “chín” và chất lượng của măng chua.
Gian phòng làm việc của anh chất đầy những hũ măng ngâm lớn. Mùi rất nặng, xộc thẳng vào mũi và “thấu” tận óc. Anh chia sẻ: “Không phải ai cũng chịu được mùi này”. Tất nhiên ngoài việc ngửi mùi, đôi khi anh cũng nếm thử 1 miếng măng chua để xác định độ “chín”.
Anh Quốc nhận định, “ngửi mùi hôi” là 1 công việc đòi hỏi tính kỹ thuật cao. Một năm, anh thường dành khoảng 3-4 tháng trên núi, hướng dẫn nông dân trồng và ngâm măng chua, đồng thời phụ trách việc mua bán măng chua tại công xưởng. Chất lượng của măng chua thành phẩm phải được kiểm soát cực kỳ nghiêm ngặt. Nhờ vậy, món măng chua – “linh hồn” của bún ốc mới đảm bảo được hương vị thơm ngon nhất.
Nhờ kỹ năng đặc biệt, tháng 7 năm 2020, anh được 1 doanh nghiệp bún ốc ở Liễu Châu mời về làm việc với mức lương cao ngất ngưởng: Gần 500.000 NDT/năm, tương đương 1,7 tỷ đồng/năm.
Dù có thu nhập cao nhưng anh Quốc cũng gặp phải 1 vài rắc rối nho nhỏ khi theo nghề này. Chẳng hạn như các con anh không chịu ở gần bố, chỉ vì “không thích mùi măng chua trên người bố”. Trước đó từng có người theo anh học làm bún ốc, sau đó cũng vì không chịu nổi mùi măng chua mà bỏ đi.