Bà Như Loan dọa hủy niêm yết cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai

Google News

"Cứ 4 tuần là lại tới hạn trả lãi, mệt mỏi ghê lắm. Tôi không dám cam kết một điều gì. Tuy nhiên, cổ đông gây sức ép quá thì tôi cũng phải hủy niêm yết”, bà Loan nói.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2016, Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã trình kế hoạch mục tiêu doanh thu năm 2016 đạt 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 100 tỷ, lần lượt tăng 288-366% so với cùng kỳ.
Để đạt mục tiêu lợi nhuận kỷ lục cho 2016, cách Hội đồng quản trị (HĐQT) đưa ra là kiếm tiền thật nhanh từ các dự án dễ thanh khoản, không đầu tư dàn trải.
Phải kiếm tiền nhanh
HĐQT trình cổ đông kế hoạch kinh doanh 2016, gồm doanh thu thuần đạt 1.500 tỷ đồng, tăng trưởng 288% và lãi trước thuế 100 tỷ đồng, tăng 316% so với thực hiện năm trước. Đây là kế hoạch kinh doanh mà QCG đã mong thực hiện được trong hai năm qua 2014 và 2015, nhưng kết quả thực tế luôn thấp hơn nhiều. Riêng trong năm 2015, công ty chỉ thực hiện được 26% kế hoạch doanh thu và 31% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Theo chia sẻ của HĐQT, năm 2016 QCG sẽ tập trung vào dự án sinh lợi nhanh thu dòng tiền tái đầu tư, mua tiếp cổ phần tại một số dự án để sở hữu 100% chủ động triển khai hoạt động.
Năm qua, QCG đã mua được nhiều dự án và cần nguồn tiền để đầu tư cho tương lai nhưng sẽ không thực hiện ồ ạt. Hiện QCG có 15 dự án BĐS đã và đang triển khai tại TP HCM và Đà Nẵng, cùng một số dự án cao su và thủy điện ở Gia Lai.
Ba Nhu Loan doa huy niem yet co phieu Quoc Cuong Gia Lai
Hiện tại quỹ đất của QCG là tương đối lớn. Ảnh: Tiền Phong
Bà Như Loan cho rằng, có giai đoạn 2014 - 2015, QCG thi công nhiều công trình nên nợ vay ngân hàng vẫn còn cao. Nợ vay dài hạn hiện nay trên 1.400 tỷ đồng. Giờ QCG phải lấy ngắn nuôi dài, luân chuyển đổi chiều. "Điều này có nghĩa là trước đây chúng tôi lấy tiền từ dự án ở TP HCM nuôi dự án ở Đà Nẵng, nay thì sẽ ngược lại. QCG đang còn nhiều quỹ đất tốt nằm rải rác ở TP.HCM, nhưng chúng tôi phải biết để dành cho tương lai", bà Loan nói.
Lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai cũng cho biết, tuỳ thuộc vào từng thời điểm của thị trường mà công ty sẽ chọn những dự án nào để khởi công xây dựng. Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, QCG sẽ không dám sử dụng vốn vay để đầu tư dàn trải dự án, do thị trường BĐS vẫn còn nhiều bất ổn.
"Tôi đã làm hết sức vì QCG"
Bà Loan chia sẻ, tài sản của Quốc Cường Gia Lai nhiều nhưng chỉ là dở dang, chưa hoàn thành nên rất khó để đem lại doanh thu, lợi nhuận. Nguyên nhân do có rất nhiều như thủ tục, nguồn vốn hạn hẹp.
HĐQT đã rất cố gắng. HĐQT rất xin lỗi cổ đông về việc không hoàn thành nhiệm vụ. Công ty đã và đang thực hiện, dự kiến tung ra thị trường trong giai đoạn 2016-2017 hàng loạt dự án ở khu vực TP HCM và Đà Nẵng để cải thiện tình hình.
Tuy nhiên, với giá cổ phiếu hiện nay liên tục nằm dưới đáy nên việc huy động vốn thông qua sàn đang trở nên khó khăn. Nhiều cổ đông cũng cho rằng, nếu như vậy nguy cơ QCG hủy niêm yết rất có thể xảy ra, vì không có nhu cầu huy động vốn trên sàn. Nếu điều đó xảy ra thật thì quyền lợi của cổ đông sẽ bị ảnh hưởng. Cổ đông đòi hỏi một cam kết từ HĐQT về việc duy trì niêm yết trong thời gian tới.
Bà Loan chia sẻ với cổ đông, cuộc sống của bà đã giành hết cho QCG, nguồn tiền của riêng bản thân cũng đổ vào các dự án, và làm gì cũng nghĩ đến cổ đông. Đi vay cũng vì quyền lợi của cổ đông mà trả giá từng đồng lãi suất, tận dụng hết mối quan hệ cá nhân để có đủ nguồn tiền. Do vậy, bà mong nhận được sự thông cảm, sẻ chia từ cổ đông.
“Tôi đã làm hết sức vì cổ đông và vì QCG, xin cổ đông hãy đặt mình vào vị trí của tôi để có thể thông cảm. Ai cũng muốn vay tiền làm dự án chứ nhưng áp lực lãi vay kinh khủng lắm. Cứ 4 tuần là lại tới hạn trả lãi, mệt mỏi ghê lắm. Tôi không dám cam kết một điều gì. Tuy nhiên, cổ đông gây sức ép quá thì tôi cũng phải hủy niêm yết”, bà Loan nói.
Chủ tịch QCG cam kết, với Phước Kiển - dự án lớn nhất và có quỹ đất lớn nhất - triển khai 8 năm nay và đã đạt công tác đền bù 95%- Công ty đang hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, thu hồi đất và giao đất cũng như thi công bờ kè, hạ tầng giao thông. HĐQT quyết tâm đưa sản phẩm của dự án ra thị trường vào năm 2017 và mang lại nguồn thu, lợi nhuận ổn định giai đoạn 2017 – 2020.
Từ năm 2016 trở đi, nguồn thu đến từ dịch vụ Toà nhà 24 Lê Thánh Tôn và thủy điện trước mắt sẽ ổn định 120 – 140 tỷ đồng/năm (chưa tính đến doanh thu của dự án cao su, nếu thị trường giá cao su tốt). Từ năm 2017 trở đi thì nguồn thu từ dịch vụ sẽ tăng từ 200 đến 250 tỷ đồng/năm từ nguồn thủy điện Iyarai 1, 2, AYUN TRUNG và Trung tâm thương mại Giai Việt, dự án 24 Lê Thánh Tôn, chưa tính dự án cao su.
Theo Zing News

Bình luận(0)