Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) của ông Đặng Thành Tâm hôm 10/2 vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022, phương án tăng vốn cũng như bầu HĐQT và Ban Kiểm soát cho nhiệm kỳ 2022-2027.
Nội dung nổi bật là kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ của KBC và sự xuất hiện của ái nữ của Chủ tịch Đặng Thành Tâm trong ban lãnh đạo.
Theo đó, bà Đặng Nguyễn Quỳnh Anh, con gái lớn của ông Tâm được bầu vào HĐQT mới cho nhiệm kỳ 2022-2027.
Bà Quỳnh Anh hiện còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Vinatex - Tân Tạo và là Trưởng Tiểu ban Tài chính HĐQT của CTCP Công nghệ Viễn Thông Sài Gòn (HOSE: SGT) - một công ty liên kết của KBC.
Bà Quỳnh Anh đang sở hữu 10 triệu cổ phiếu KBC và nắm gần 21 triệu cổ phiếu KBC đại diện cho CTCP Đầu tư Vinatex - Tân Tạo. Đặng Nguyễn Quỳnh Anh (1991) từng được biết đến là “nữ 9X giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam” hồi năm 2014 khi mua 10 triệu cổ phiếu KBC vào thời điểm đó.
KBC của ông Đặng Thành Tâm đặt ra kế hoạch tham vọng cho năm 2022 với doanh thu tăng gấp 2,2 lần lên 9,8 nghìn tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 4,7 lần so với 2021 lên 4,5 nghìn tỷ đồng.
Ông Tâm tự tin, chưa bao giờ KBC vui như ngày hôm nay và những ngày sau còn vui hơn nữa.
KBC gần đây tập trung vào thế mạnh bất động sản công nghiệp và mở rộng sang các tỉnh thành khác, không chỉ tập trung vào Bắc Ninh và Bắc Giang. Dự án tại Hải Phòng và Hưng Yên có nhiều tín hiệu tích cực.
Khu công nghiệp (KCN) Tràng Duệ mở rộng đã hoàn tất thủ tục thành lập mới và đang chờ chấp thuận của Bộ Kế hoạch và đầu tư. Tại Hưng Yên, KBC đã được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án có quy mô 200 ha. KBC cũng đang đền bù đất cho dự án cụm công nghiệp và nhà ở xã hội tại Long An và xin thành lập KCN tại địa phương.
Để triển khai các dự án, KBC dự kiến tăng vốn 2 lần trong 2022, từ nguồn vốn của doanh nghiệp (192 triệu cổ phiếu) và chào bán cổ phiếu riêng lẻ (tối đa 150 triệu cổ phiếu). KBC cũng sẽ chia cổ phiếu thưởng để nâng vốn chủ sở hữu lên mức 1 tỷ USD.
Theo VnDirect, bất động sản KCN sẽ tiếp tục duy trì sức hút bởi được hưởng lợi từ nhiều yếu tố. Giá thuê đất KCN tiếp tục tăng 6-10% so với cùng kỳ ở cả phía Nam và phía Bắc, trong bối cảnh nhu cầu cao và nguồn cung hạn chế cung hạn chế.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản công nghiệp sẽ tỏa sáng trong 2022 như KBC, PHR, SZC. Trong đó, KBC có vị thế thuận lợi bởi sở hữu quỹ đất lớn và đang ở vị thể dẫn đầu trong việc thu hút FDI.
Còn PHR sẽ tăng trưởng kép vừa nhờ bất động sản công nghiệp vừa nhờ doanh thu mảng cao su tự nhiên nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường ô tô Mỹ và Trung Quốc.
Trong khi đó, SZC thuận lợi nhờ vị thế gần cảng biển, sân bay và các KCN khác của Bà Rịa – Vũng Tàu.
Thanh khoản thấp đe dọa xu hướng tăng
Theo YSVN, xu hướng của thị trường chứng khoán chung vẫn duy trì ở mức trung tính. VN-Index sẽ kiểm định lại ngưỡng 1.512 điểm và sớm vượt được mức kháng cự này trong phiên giao dịch 11/2. Điểm tích cực là chỉ số VN30 đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ là nhóm dẫn dắt chính đà tăng của thị trường và dòng tiền có dấu hiệu tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu này. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn nên ưu tiên chiến lược gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Còn theo BSC, với thanh khoản èo uột, sự tăng điểm trong những phiên gần đây của VN-Index không phải tín hiệu tích cực. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 11/19 ngành tăng điểm, cho thấy dòng tiền đang tập trung vào một số mã nhất định theo từng ngành. Giao dịch khối ngoại cũng không mấy tích cực khi bán ròng mạnh trên sàn HoSE nhưng chỉ mua nhẹ hơn 1 tỷ trên sàn HNX. VN-Index đang nằm trong vùng chơi vơi nhưng khả năng cao sẽ quay lại test đường MA20 trong thời gian tới.
Kết thúc phiên giao dịch 10/2, chỉ số VN-Index tăng 1,41 điểm lên 1.506,79 điểm. HNX-Index tăng 4,04 điểm lên 428,24 điểm. Upcom-Index tăng 0,64 điểm lên 112,64 điểm. Thanh khoản đạt 25,0 nghìn tỷ đồng, trong đó HOSE có hơn 21,9 nghìn tỷ đồng.