|
Tiểu thương chợ An Đông đã vào chợ bán trở lại vào ngày 20-9. |
Theo nhiều tiểu thương chợ An Đông (quận 5), số tiền họ đóng được ban quản lí chợ công bố trước là 237 tỷ nhưng sau 4 năm các cơ quan công bố chỉ còn 217 tỉ.
237 hay 217 tỉ đồng?
Số tiền đó, các tiểu thương tính, nếu chỉ bỏ vào ngân hàng thì cũng được ít nhất 48 tỉ đồng tiền lãi, nhưng đằng này lại bốc hơi mất 20 tỉ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 20/9, bà Nguyễn Thị Thanh Thùy, tiểu thương chợ An Đông, cho biết, vào tháng 4-2013, Ban quản lý chợ thu với mức giá 65-185 triệu tùy sạp.
Vào tháng 4-2014, Ban quản lí chợ An Đông công bố số tiền tiểu thương đóng góp là 237 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến tháng 5-2015 Ban quản lý lại công bố chỉ còn 219 tỷ và qua năm 2016 công bố lại chỉ còn 217 tỉ đồng vì "kế toán nhầm". Vậy là số tiền đã bốc hơi 20 tỉ đồng?
Tại cuộc họp báo do UBND Quận 5 tổ chức vào chiều 20-9, Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi về khoản tiền "bốc hơi" 20 tỉ đồng này, bà Trương Thị Minh Kiều, Phó Chủ tịch UBND Quận 5, cho biết UBND thành phố đã cho thanh tra và kết quả số tiền 217 tỷ đồng là chính xác.
Con số 237 tỉ đồng trước đó là "do việc thu chi chưa được tổng hợp đầy đủ".
Số tiền 217 mà các tiểu thương chợ An Đông đóng này, theo ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND Quận 5, khẳng định: "hoàn toàn dùng để nâng cấp chợ An Đông".
Tuy nhiên, điều khó hiểu là quận 5 lại vừa phát hành hợp đồng thuê sạp, vừa thu tiền sửa chợ của các tiểu thương, và lại không sửa trong suốt 4 năm qua.
Trao đổi phóng viên ngày 20-9, theo đại diện Sở công thương TP.HCM, qua đối chiếu với sao kê của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương – Phòng Giao dịch An Đông, từ 01-3-2013 đến 11-01-2017, sổ sách kế toán, Ban Quản lý Trung tâm TM – DV An Đông đã nộp 217.361.303.827 đồng vào Kho bạc Nhà Nước quận 5 (đã bao gồm 399.546.533 đồng tiền lãi ngân hàng và trừ chi phí phục vụ cho công tác triển khai ký kết hợp đồng giai đoạn 2013-2017).
Đã góp tiền xây chợ lại vẫn phải thuê sạp?
Một trong các điều bức xúc của các tiểu thương là vấn đề hợp đồng thuê sạp tại chợ An Đông.
Theo các tiểu thương phản ánh, vào năm 1990, khi giá sạp trên thị trường ở mức 5 chỉ vàng/sạp các tiểu thương đã phải đóng gấp 10 lần, tức 5 lượng vàng cho mỗi sạp, để công ty Việt Hoa xây chợ.
Ở thời điểm đó, các tiểu thương cho biết số vàng đó đủ mua một căn nhà mặt tiền.
Bằng cách đó, ông Trần Văn Quang, tiểu thương An Đông, nói rằng các tiểu thương đã "hoàn toàn bỏ tiền ra xây chợ chứ không phải mua hợp đồng".
Vậy nhưng, các tiểu thương vừa phải góp tiền xây dựng chợ, lại phải ký hợp đồng thuê sạp trong chợ, và phải đóng đầy đủ các loại thuế, phí.
"Đại diện UBND quận 5 lúc đó đã thừa nhận điều này và khẳng định sẽ không thu thuế, phí gì trong 20 năm. Tuy nhiên, trong 20 năm qua quận vẫn thu tiền hoa chi và thuế, phí với mức thu lên đến 600 triệu đồng/tháng", ông Quang phản ánh với báo Tuổi Trẻ trước đó.
Về thắc mắc này, theo bà Kiều, trong các giấy tờ lưu trữ từ quận đã không tìm thấy giấy tờ thể hiện việc không thu thuế phí trong 20 năm.
"Việc tiểu thương phản ánh như vậy là không có căn cứ. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp nhận và trao đổi lại", bà Kiều trả lời câu hỏi với Tuổi Trẻ Online tại buổi họp báo.
"Về sửa chữa, UBND cho rằng đang trong giai đoạn chuẩn bị, có những dự án đã triển khai, có dự án chậm tiến độ Xin gởi lời xin lỗi đến toàn thể bà con chợ An Đông, chúng tôi hứa là sẽ đảm bảo tiến độ", bà Kiều cam kết.
Ủy ban nhân dân Thành phố đã đề nghị UBND Q.5 chỉ đạo các đơn vị liên quan sử dụng toàn bộ tiền này (217.361.303.827 đồng) tái đầu tư xây dựng "Phương án nâng cấp, sửa chữa toàn diện Trung tâm TM – DV An Đông đến năm 2021" đảm bảo thực hiện đúng các quy định pháp luật về đầu tư công, về đấu thầu, về xây dựng.