Hé lộ “người tình bí ẩn” của Tống Mỹ Linh

Google News

Ít ai biết, trước khi gắn bó với Tưởng Giới Thạch, Tống Mỹ Linh từng đính hôn với một chàng trai ngay trên đất Mỹ.

- Trước khi gắn bó trọn đời với Tưởng Giới Thạch, Tống Mỹ Linh từng âm thầm đính hôn với một chàng trai ngay trên đất Mỹ. Nhưng cũng chính anh ta đã tự nguyện rút lui, nhường người thương cho nhà độc tài quân sự.

Sử sách vẫn thường nhắc đến cuộc hôn nhân ly kỳ giữa Tống Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch. Mối tình Tống -Tưởng luôn gắn liền với những thăng trầm của lịch sử. Trong tư cách đệ nhất phu nhân Dân quốc, bà đã đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi cùng đấng phu quân. Họ gắn bó bên nhau suốt nửa thế kỷ, cho tới khi nhà quân phiệt qua đời ở tuổi 88 vào ngày 5/4/1975.

Hôn ước liều lĩnh

Khi nói về ba chị em nhà họ Tống, người Trung Quốc có câu: “Đại tỷ ái tài, nhị tỷ ái quốc, tam muội ái quyền” (tức: Cô cả yêu tiền, cô hai yêu nước, cô ba yêu quyền). Phải chăng vì ham muốn quyền lực, Tống Mỹ Linh đã quyết định gắn kết đời mình với Tưởng Giới Thạch và trở thành đệ nhất phu nhân quyền uy, danh vọng?

Tống Mỹ Linh. Tống Mỹ Linh.

Sự thực là trước khi làm dâu họ Tưởng, Tống Mỹ Linh từng có mối tình đầu nồng thắm với người bạn học thân thiết của anh trai mình, tức Lưu Kỷ Văn. Nhưng cũng chính người ấy đã tự nguyện rút lui để người đẹp ngã vào lòng họ Tưởng.

Sinh năm 1897 tại Thượng Hải, Tống Mỹ Linh là con thứ tư trong số 6 người con của gia tộc họ Tống. Thuở bé, bà học tại trường tư thục Motyeire của Mỹ tại Thượng Hải. Về sau, Mỹ Linh sang Mỹ du học. Trong thời gian “dùi mài kinh sử” tại trường Wellesley College, Tống Mỹ Linh đã liều lĩnh làm chuyện trái ngược với quy định của gia đình.

Dưới sự chứng kiến của anh trai Tống Tử Văn, bà tổ chức nghi thức đính hôn có quy mô rất nhỏ cùng Lưu Kỷ Văn. Người đàn ông ấy vốn là một chàng trai đất Giang Tô với ngoại hình thư sinh, phong thái lịch thiệp, nho nhã. Ông theo học Harvard. Hiện, trong hồ sơ lưu trữ của trường nữ sinh Wellesley College còn ghi lại: "Vị hôn phu của cô Tống là một lưu học sinh Trung Quốc. Hai người sẽ chính thức kết hôn vào một thời điểm hiện còn chưa xác định".

Lưu Kỷ Văn.
Lưu Kỷ Văn.
 
Một tối nọ, sau khi trở về Thượng Hải, Tống Mỹ Linh có buổi trò chuyện, tán gẫu cùng cha. Ông Tống Diệu Như sau khi nhấp một ngụm trà, bèn cất lời: “Sáng mai, cha dẫn con đi xem mặt một người. Con gái đã lớn thì phải tính chuyện cưới xin. Người này tên Chu Tử Thanh, phẩm mạo đều rất khá, gia đình cũng thuộc hàng nề nếp, dư dả”.

Nghe thấy vậy, Tống Mỹ Linh bỗng lặng người. Nhưng bà vốn khôn ngoan, biết tính toán khi hành sự. Từ bé, Tống Mỹ Linh đã hình thành cho mình tố chất bình tĩnh để đối diện với khó khăn. Biết chắc rằng, nếu đường đường công khai chuyện đính hôn trong lúc này, hậu quả sẽ khôn lường, Tống Mỹ Linh chỉ lặng thinh, không mở lời từ chối.

Sáng hôm sau, bà tỉnh dậy từ sớm, trang điểm nhẹ nhàng rồi cùng cha tới chỗ hẹn. Sau khi ổn định chỗ ngồi, người đẹp họ Tống ý nhị liếc nhìn chàng trai đối diện mình – Chu Tử Thanh. Người đàn ông ấy vừa có học vấn, lại rất biết đối nhân xử thế. Bà ngầm nhận ra, phẩm chất con người này quả đúng như cha ca tụng. Khi trò chuyện, Chu Tử Thanh cho biết, anh và Tống Mỹ Linh không chỉ sinh cùng năm, mà còn rời Thượng Hải ra nước ngoài du học cùng một năm. Điểm khác biệt giữa họ là Tống Mỹ Linh buổi đầu tới Mỹ theo học chuyên ngành văn học Anh, trong khi Chu Tử Thanh sang Anh nghiên cứu kinh tế học. Tới lúc này, mỹ nhân họ Tống mới thực sự tin rằng, những lời nói của cha mình luôn có sức nặng của sự thực.

Dẫu thán phục tài nhìn người của cha, nhưng Tống Mỹ Linh vẫn nặng lòng với hôn ước khi còn ở Mỹ cùng Lưu Kỷ Văn. Bởi bà là người phụ nữ vừa trọng tình cảm, vừa biết tín nghĩa, không có chuyện mới gặp Chu Tử Thanh đã thay lòng đổi dạ. 

“Mỹ Linh, cha biết con không có gì chê trách Chu Tử Thanh. Nếu nhìn nhầm người, cha đã chẳng giới thiệu cậu ấy cho con”, Tống Diệu Như vừa nhâm nhi cốc trà, vừa nhẩn nha gợi chuyện. Khi còn ngồi trong nhà hàng Quảng Đông, ông đã nhận ra tâm tư của con gái mình. Thực lòng mà nói, Tống Mỹ Linh cũng rất ưng thuận người con trai họ Chu kia, nên mới tỏ tấm chân tình khi trò chuyện.

“Không, con không đồng ý! Dù Chu Tử Thanh có tốt đến mấy, con cũng không thể làm vợ anh ta. Bởi khi ở Mỹ, con đã có bạn trai…”, Tống Mỹ Linh dứt khoát bày tỏ.

Tống Diệu Như ngút lửa trong lòng, ông căn vặn: “Có bạn trai? Anh ta là ai? Sao cha không biết?”.

Nhưng lạ kỳ thay, khi cha mẹ hướng ánh nhìn giận dữ về phía mình, những lo lắng, căng thẳng trong Tống Mỹ Linh bỗng dưng tan biến, thay vào đó là cảm giác bình tĩnh đến vô cùng. Không bực bội, chẳng khiếp sợ, bà điềm tĩnh trả lời: “Thưa cha, thưa mẹ, anh ấy chính là Lưu Kỷ Văn, một lưu học sinh ở Nhật Bản sang Mỹ du học, bạn tốt của anh Tống Tử Văn”.

Sau một hồi lặng đi, Tống Diệu Như đột nhiên lớn tiếng: “Sao con dám bỏ qua sự cho phép của gia đình mà tự tiện kết giao bạn bè ở nước ngoài? Thực là làm chuyện vô pháp vô thiên! Không tính tới tình cảm giữa con và Lưu Kỷ Văn, dù con có nói nửa lời không với Chu Tử Thanh, hôn sự này vẫn do ta quyết định!”.

Vừa dứt lời, sắc mặt ông đột nhiên trắng bệch, toàn thân run lên vì giận dữ, rồi cả người như không có lực đỡ, ngã vật xuống sô fa. Ngày 3/5/1918, ông qua đời tại Thượng Hải, khi mới 54 tuổi. Thi thể Tống Diệu Như được an táng tại khu mộ của Tống gia.

Cuộc hội ngộ ở Quảng Châu

Lưu Kỷ Văn trở về Quảng Châu chớp mắt đã được hai năm. Ông quyết định mời Tống Mỹ Linh tới đây một chuyến vào dịp mùa thu.

Khi nhận được thư của người yêu, Tống Mỹ Linh mừng mừng tủi tủi suốt tận mấy ngày. Đương nhiên, bà hy vọng được đến Quảng Châu để gặp lại người thương, nhưng vì bị mẹ ngăn cản, nên tới giữa hè, Mỹ Linh mới đạt được tâm nguyện.

 

Tống Mỹ Linh và mối tình đầu.
Tống Mỹ Linh và mối tình đầu.
 
Gặp rồi, Tống Mỹ Linh mới nhận ra mọi chuyện đã thay đổi. Kỷ Văn cho biết, theo yêu cầu của cách mạng, một đoàn khảo sát, trong đó có anh sẽ sang Anh, Pháp…để khảo sát tình hình kinh tế. “Mệnh lệnh của cấp trên không thể làm trái. Anh chỉ còn nước phục tùng…”, họ Lưu lý giải. Bản thân ông cũng mong muốn tranh thủ lúc còn son trẻ để nắm bắt cơ hội học hỏi thêm ở nước ngoài.

“Yêu cầu của anh hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của cách mạng, hà cớ gì cần sự tha thứ ở em?”, Tống Mỹ Linh đáp lại. Bà ta hiểu rằng, sự xuất hiện của mình tại đất Quảng Châu sẽ chẳng suy chuyển được nguyện vọng xuất ngoại của Lưu Kỷ Văn. Những lý giải của ông càng khiến tiểu thư họ Tống thêm thất vọng, ấm ức.

Trông thần thái của Mỹ Linh, Lưu Kỷ Văn nhận ra lòng bà đang chất chứa những nỗi niềm gì. Chính ông cũng chẳng ngờ, mọi chuyện lại thành ra như vậy. Rồi đột nhiên, Kỷ Văn lại nghĩ sẽ thay đổi kế hoạch xuất ngoại của mình. Giữa sự nghiệp và tình yêu, ông ý thức được, điều bản thân cần hơn cả là sự ủng hộ của Mỹ Linh. Nghĩ vậy, Kỷ Văn bèn lên tiếng: “Anh quyết định sang châu Âu khảo sát vì nghĩ tới khả năng chúng ta tạm thời chưa thể kết hôn. Trong thư em gửi, anh đã biết những khó khăn mà mình đều thấy rất khó khắc phục. Thế nên anh nghĩ, tạm thời chưa thể kết hôn, chi bằng tận dụng quãng thời gian này để ra nước ngoài lĩnh hội tri thức…Em đã không đồng ý cho anh đi, giờ anh sẽ đề nghị tiếp tục ở lại, cấp trên cũng có thể phê chuẩn”.

“Không, nếu vì sự có mặt của em mà thay đổi kế hoạch xuất ngoại anh đã suy nghĩ, ấp ủ bấy lâu, em càng không an lòng”, Tống Mỹ Linh xua tay lia lịa, tỏ ý không chấp thuận.

Đêm xuống, bà trằn trọc mất ngủ…

Tình sét đánh
 
Kể từ ngày về Thượng Hải, với nhan sắc yêu kiều và học vấn sâu rộng, Tống Mỹ Linh trở thành tâm điểm chú ý của đám nhân sĩ, học giả, chính khách bấy giờ. Họ thường xuyên lui tới biệt thự của gia tộc họ Tống tại đường Hành Phi, Thượng Hải để có dịp gặp gỡ, trò chuyện cùng nàng.

Trong số những “vệ tinh” vây quanh mỹ nhân, Tưởng Giới Thạch thuộc tốp đến sau, nhưng lại tỏ rõ bản lĩnh và sự tài tình trong công cuộc chinh phục trái tim người đẹp.

Tống – Tưởng chạm mặt nhau thật tình cờ. Nét yêu kiều, kiêu sa của cô tiểu thư họ Tống ngay lập tức hút hồn vị tướng lĩnh quân sự. Tưởng hiểu rằng, Tống Mỹ Linh không chỉ là người phụ nữ thắm về sắc, xuất chúng về tài năng mà còn xuất thân trong một gia đình có tầm ảnh hưởng chính trị vô cùng sâu rộng.
Tống Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch.
Tống Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch.
 
Vậy là “chàng thợ săn” nhanh chóng lên kế hoạch đường dài. Trước tiên, Tưởng tìm gặp Tôn Trung Sơn để bày tỏ nỗi lòng: “Kể từ buổi gặp em Linh, suốt vài ngày liền, tôi ăn ngủ mất ngon. Thế nên, tôi không thể không làm phiền Tổng thống, những mong ngài tạo điều kiện cho chúng tôi được gặp lại nhau. Ý tôi là, nếu em Linh vẫn chưa có ý trung nhân, liệu tôi có thể cầu hôn nàng?”.

“Ngài nói gì? Muốn cầu hôn với Mỹ Linh ư? Theo tôi được biết, trong thời gian cô ấy học tập tại Mỹ, đã có thích một người. Vì vậy, tôi khuyên ngài tốt nhất nên từ bỏ ý định này đi”, Tôn Trung Sơn đáp lại.

Nghe thấy vậy, Tưởng tỏ rõ thất vọng: “Cô ấy đã có người thương khi ở Mỹ rồi ư?”. Nhưng ông ta vẫn không chịu bỏ cuộc: “Có người yêu, không hẳn sẽ nên duyên vợ chồng. Thưa ngài Tổng thống, tôi mạo muội muốn biết người mà tiểu thư Mỹ Linh thích là ai, liệu tôi có thể làm quen được không?”.

“Nghe nói, Mỹ Linh và Lưu Kỷ Văn có thời gian quen biết bên Mỹ không dài, nhưng giữa họ đã có hôn ước”, Tôn Trung Sơn cho biết. Tưởng hết sức ngạc nhiên mà rằng: “Hóa ra là Lưu Kỷ Văn?”.

“Chính là người ấy. Chẳng phải ngài cũng đã yên bề gia thất rồi sao? Với những người đã kết hôn, Mỹ Linh tuyệt đối không màng tới”, Tôn Trung Sơn hé lộ.

Khó khăn nối tiếp khó khăn, nhưng Tưởng chẳng hề nao núng, ngược lại càng tỏ rõ quyết tâm. “Thưa ngài Tổng thống, gia thất với tôi chẳng hề quan trọng, chỉ cần tiểu thư Mỹ Linh bằng lòng, tôi có thể giải quyết chuyện ấy. Hiện giờ tôi cảm thấy có hai vấn đề khó khăn: một là Mỹ Linh liệu có chấp nhận tôi, hai là phải chăng Lưu Kỷ Văn có hôn ước với nàng. Nhưng, thưa Tổng thống, ‘sự tại nhân vi’ (ý chỉ việc thành công hay không là do người làm), bất luận thế nào ngài cũng phải chuyển lời giùm tôi tới tiểu thư, rằng Tưởng tôi rất có cảm tình với cô ấy, gặp một lần mà mãi không quên. Dẫu không thể nên duyên vợ chồng, thì làm bạn cũng tốt chứ sao?”.

Yên lặng hồi lâu, cuối cùng, Tôn Trung Sơn gật đầu chấp thuận: “Hãy cứ đợi đã. Nhưng tôi có thể thử xem sao”.

Hy sinh tình yêu vì tiền đồ chính trị

Vào dịp Giáng Sinh năm ấy, Tống Mỹ Linh đón nhận tin mừng. Trong thư Lưu Kỷ Văn gửi về có đoạn thông báo: Nếu công việc khảo sát tại các nước Bắc Mỹ tiến triển thuận lợi, muộn nhất là vào mùa xuân năm sau ông ta sẽ về nước và tới nhà họ Tống tại Thượng Hải để cầu hôn bà. Đọc đến đây, Tống Mỹ Linh bỗng nước mắt lăn dài.

Khi Lưu Kỷ Văn trở về Quảng Châu, Cổ Ứng Phân – một nguyên lão của Quốc Dân Đảng đã ngăn cản ý định đi Thượng Hải của ông. “Tưởng tiên sinh hôm qua đã đích thân tìm ta nói chuyện, ông ta nói, sẽ không để chúng ta phá hỏng việc tốt của mình”, Cổ cho hay.

“Phá hỏng việc tốt của ông ta?”, Lưu Kỷ Văn hết sức ngạc nhiên.

Cổ Ứng Phân thở dài buồn bã: “Trước kia có người đồn đại, Tưởng để ý em gái của Tống Tử Văn, nhưng ta không mấy bận tâm về chuyện ấy. Ai chả biết, Tống Mỹ Linh đã có hôn ước với cậu ở Mỹ. Nhưng, Triệu Minh (tự của Lưu Kỷ Văn), ta khuyên cậu nên hết sức cẩn thận, chớ vì một người con gái mà gây mối bất hòa với lão Tưởng, làm vậy chỉ tổ hủy hoại tiền đồ của mình mà thôi”.
Đám cưới của Tống - Tưởng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận bấy giờ.
Đám cưới của Tống - Tưởng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận bấy giờ.
 
Hai ngày sau, Lưu Kỷ Văn bất ngờ nhận được một tấm thiếp mời màu đỏ. Hóa ra là Tưởng Giới Thạch với tư cách tổng tư lệnh quân cách mạng Dân quốc mời ông tới Việt Tú đại tửu lầu ở Quảng Châu dự bữa cơm thân mật.

Trong lúc hai người đang "chén chú chén anh", nhận thấy thời cơ đã đến, Tưởng Giới Thạch bỗng lên tiếng: “Triệu Minh huynh, tôi có chút chuyện riêng muốn anh giúp đỡ”. “Khi Trung Sơn tiên sinh còn sống đã hy vọng tôi có người vợ hiền luôn kề vai sát cánh. Bất kỳ nhà hoạt động cách mạng nào, nếu không có người phụ nữ thực sự tốt ở bên ủng hộ, chắc chắn sẽ chẳng nên cơm nên cháo. Vì Tôn Tổng thống luôn có Tống Khánh Linh đồng hành, nên muôn sự đều hóa nguy thành yên. Hiện giờ tuy cũng có phụ nữ cạnh bên, nhưng với tôi, bọn họ đều là hàng vô dụng. Hồi Trung Sơn tiên sinh còn sống, ông từng hy vọng tôi và Mỹ Linh có thể gắn kết với nhau, chỉ khi cô ấy chịu ra mặt ủng hộ tôi, đại nghiệp cách mạng mới có thể thành công. Triệu Minh huynh, anh thấy thế nào?”.

Lúc ấy, Lưu Kỷ Văn như bốc hỏa trong lòng. “Theo tôi, Triệu Minh huynh nhất định sẽ giúp người hoàn thành tâm nguyện”, Tưởng buông lời. Thực ra, ông ta đã nhìn thấu tâm tư của Lưu Kỷ Văn. Với cách nhìn nhận lõi đời của mình, Tưởng mười mươi hiểu rõ, chàng thư sinh ấy sẽ không dám nói thẳng nói thực trước mặt mình. Là kẻ khôn ngoan và luôn thích nắm quyền chủ động, ông ta nói tiếp: “Cô Tống cũng ngầm kính phục Giới Thạch tôi. Mọi chuyện hiện giờ cũng cấp bách lắm rồi. Tôi chỉ còn biết cậy nhờ Triệu Minh huynh giúp đỡ”.

“Chuyện này…”, Lưu Kỷ Văn trở nên bối rối, vầng trán lấm tấm mồ hôi. Ông thật không ngờ họ Tưởng lại giở thủ đoạn hiểm độc tới vậy. Nghĩ đến muôn vàn khó khăn sẽ phải đối diện, Kỷ Văn đột nhiên nôn ói ngay giữa bữa tiệc. Tưởng Giới Thạch nhận ra tình địch đang rất đau khổ, nên cũng không dám dồn ép  gì thêm, bèn sai đám hầu cận đưa Kỷ Văn ra về.

Lưu Kỷ Văn vì chuyện này mà sinh bệnh. Đương nhiên, chuyến đi Thượng Hải đã lên kế hoạch cũng phải hủy bỏ. Dù cho Tống Mỹ Linh thi thoảng vẫn gửi thư tới Quảng Châu, nhưng từ lúc ấy, ông ta chẳng dám hồi âm.

Cuối cùng, họ Lưu vẫn phải gắng gượng thoát khỏi nỗi đau tình và dùng lý trí đối diện với tương lai của chính mình.

“Quả thực, Tưởng Giới Thạch có tiền đồ chính trị hơn anh. Đặc biệt là sau khi trở về Quảng Châu, anh phát hiện ra, chẳng bao lâu nữa, Tưởng tiên sinh sẽ trở thành người lãnh đạo thực sự của Quốc Dân đảng. Sau khi nói chuyện với anh, ông ta càng khiến anh kiên định từ bỏ ý nghĩ kết hôn với em. Vì anh nhận ra rằng, tình yêu mà Tưởng Giới Thạch dành cho em cũng rất chân thành. Nếu em kết đôi cùng anh, tiền đồ chính trị có thể mờ mịt, nhưng nếu em kề vai sát cánh cùng Tưởng tiên sinh, em không những sẽ có tương lai sán lạn mà còn cống hiến được nhiều cho quốc gia…”, Lưu Kỷ Văn trút hết tâm tư trong một cuộc gặp với Mỹ Linh tại Dự Viên, Thượng Hải.

Vậy là mối tình đầu gắn liền với những năm tháng học đường của Tống Mỹ Linh đã thực sự chấm dứt. Chính Lưu Kỷ Văn vì tiền đồ chính trị, đã sẵn sàng rút lui trong chuyện tình yêu để nhường đường cho kẻ mạnh.

Ngày 1/12/1927, dư luận Trung Quốc lẫn thế giới đều hướng sự chú ý đặc biệt tới một sự kiện lớn – lễ thành hôn của Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh. Cuộc hôn nhân nhuốm tràn màu sắc chính trị của hai người họ đã trở thành sự kiện nóng được giới truyền thông bấy giờ rầm rộ đưa tin, kèm theo những bình luận dưới muôn vàn góc độ…

Thùy Dương

 

ĐANG ĐỌC NHIỀU

Ảnh “lạ-độc“ về Việt Nam của Chris Ridley Ảnh “lạ-độc“ về Việt Nam của Chris Ridley Chuyện “dại gái“ khó đỡ của tỉ phú Sài Gòn Chuyện “dại gái“ khó đỡ của tỉ phú Sài Gòn Ngã mũ trước “phép thuật“ của dị nhân số 1 VN Ngã mũ trước “phép thuật“ của dị nhân số 1 VN

 

[links()]

 

Bình luận(0)