Các bậc cha mẹ này cho rằng, một đứa trẻ mới 2 - 3 tuổi đã biết bật, tắt các chức năng điện thoại, 4 - 5 tuổi đã lướt web, chơi game nhoay nhoáy là biểu hiện của sự thông minh. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, đừng vội mừng khi con "thông minh" như vậy.
Ghi nhớ và bắt chước
ThS Trần Mạnh Hoàng, chuyên gia giáo dục kỹ năng sống, Trung tâm Bồi dưỡng và Phát triển kỹ năng mềm, cho rằng việc sử dụng các thiết bị điện tử thực chất chỉ là hành động ghi nhớ và bắt chước các thao tác trên thiết bị đó. Điều này bất cứ một đứa trẻ 2 - 4 tuổi nào có trí tuệ phát triển bình thường cũng làm được nếu tiếp xúc thường xuyên với thiết bị đó.
Ngoài ra, âm thanh, màu sắc, hình ảnh sống động của các trò chơi, các ứng dụng, hay các video clips được tải về trên thiết bị điện tử thường có sức hấp dẫn đặc biệt với sự tò mò của trẻ, khiến trẻ thích thú, say mê khám phá và học rất nhanh. Những việc đó không thể đánh giá trẻ có thông minh hay không.
Đồng quan điểm, TS Trương Thị Kim Oanh, nguyên cán bộ Viện Khoa học Giáo dục cũng cho hay, việc một đứa trẻ chưa biết cầm đũa khi ăn đã biết "sử dụng" các thiết bị điện tử như iPad, iPhone, máy tính bảng, điện thoại thông minh chưa chắc đã là biểu hiện của sự thông minh. Ví dụ, trên các thiết bị điện tử thông minh thường có các biểu tượng, trẻ nhỏ chỉ cần ghi nhớ chứ không cần tư duy.
TS Trương Thị Kim Oanh kể, bà từng quan sát rất kỹ việc "sử dụng" các thiết bị điện tử của trẻ nhỏ. Đối với những trò chơi đòi hỏi sự tư duy, phán đoán, trẻ 2 - 3 tuổi có thể mở và chơi, nhưng là chơi một cách vô thức và thường không cho ra kết quả chính xác, hoặc nếu có kết quả chính xác (hay chơi thành công) thì đấy là sự ngẫu nhiên chứ không phải do trẻ tư duy và phán đoán được. Phải đến khi trẻ lớn hơn nữa mới có thể chơi trò đó thành công. Như vậy, rõ ràng đấy không phải là sự thông minh.
|
Việc để trẻ con "chơi" với các thiết bị điện tử thông minh là điều khó có thể cấm nhưng tuyệt đối không được lạm dụng. |
Nghèo cảm xúc và kỹ năng sống
ThS Trần Mạnh Hoàng cho biết, việc cha mẹ cho trẻ nhỏ sử dụng điện thoại hay máy tính bảng, ban đầu có thể chỉ với mục đích dỗ cho con ăn hay để con ngoan, trật tự. Khi thấy con thích thú tìm hiểu, khám phá các ứng dụng trên thiết bị thì họ cho rằng đó là thông minh nên càng khuyến khích hơn, tạo điều kiện để con tự do "đắm chìm" trong thế giới công nghệ. Hành động này rất nguy hiểm bởi nó dần dần sẽ khiến trẻ trở nên phụ thuộc và nghiện thiết bị đó.
Biểu hiện của chứng nghiện này là sự say sưa, mê mải khi được chơi, khi bị "tịch thu" sẽ quấy khóc, thậm chí cáu kỉnh, tức giận và dễ bị kích động, thậm chí có trường hợp lâm vào trạng thái trầm cảm và không có cách nào thoát khỏi buồn giận. Nguy hiểm hơn, sự cô lập bởi các thiết bị điện tử này có thể làm nghèo các kỹ năng xã hội của trẻ, trong khi lẽ ra trẻ có thể học cách giao tiếp với nhau và với thế giới bên ngoài.
TS Trương Thị Kim Oanh cho hay, trong xã hội hiện đại, việc để trẻ con "chơi" với các thiết bị điện tử thông minh là điều khó có thể cấm được, nhưng tuyệt đối không được lạm dụng. Đối với trẻ nhỏ, tốt nhất không nên cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá 2 tiếng/ngày. Sau 2 tiếng "làm bạn" với máy tính, điện thoại... hãy để trẻ được sống cuộc sống thực ở bên ngoài để để phát triển trí tuệ và cảm xúc thật.
ThS Trần Mạnh Hoàng cũng cho rằng, điều quan trọng nhất giúp trẻ phát triển trí tuệ, khả năng tư duy, nhận thức và cảm xúc chính là các hoạt động giao tiếp trực tiếp hằng ngày với mọi người, với thế giới thực xung quanh trẻ. Giao tiếp trực tiếp thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, thái độ yêu thương, thân mật của các thành viên trong gia đình và của những người trẻ quen biết trong thế giới của mình như thầy cô, bạn bè, hàng xóm...
Các hoạt động giao tiếp, vui chơi cùng bạn bè và những người xung quanh sẽ giúp trẻ học được những điều không thể tìm thấy trong iPad. Chính những mối quan hệ và các hoạt động này mới giúp trẻ lớn lên, có trí tuệ và có cảm xúc.
ThS Trần Mạnh Hoàng