Trung bình mỗi ngày có hơn 2 cá thể tê giác bị săn trộm. Chúng bị giết để lấy sừng phục vụ cho nhu cầu ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Chỉ trong năm 2013, đã có hơn 1.000 con tê giác bị săn trộm ở châu Phí, nơi có nhiều quần thể tê giác sinh sống nhất.
|
Sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh thần kỳ như
nhiều người vẫn tưởng. |
Mặc dù các nghiên cứu khoa học cho thấy sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh, vẫn có những lời đồn thổi về khả năng chữa ung thư hoặc hạ sốt của nó. Một số người còn dùng sừng tê giác để giải rượu.
Trên thực tế, sừng tê giác có thành phần cấu tạo chủ yếu là keratine, hoàn toàn giống với móng tay của con người. Và hiện nay, để giúp loài này không bị săn trộm, người ta đã tiêm các hoá chất độc hại vào sừng tê giác.
Thông tin trên được đưa ra trong buổi toạ đàm Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội trong việc tuyên truyền giảm nhu cầu sử dụng sừng Tê giác ở Việt Nam, do Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam và Tổ chức Nhân đạo Quốc tế (HSI) tổ chức ngày 6/8.
“Tê giác đang có nguy cơ bị tuyệt chủng do nhu cầu lấy sừng của chúng", bà Teresa Telecky, Giám đốc Bộ phận Loài Hoang dã của HSI, nói trong buổi tọa đàm.
Hiện trên thế giới chỉ còn khoảng 28.000 con tê giác sống trong tự nhiên (gồm 5 loài, 2 loài ở châu Phi và 3 loài ở châu Á), trong khi con số bị săn trộm mỗi năm đã lên tới hàng nghìn.