Bức ảnh cá mập bơi trên đường ngập nước ở Houston trong siêu bão Harvey trên ngay lập tức lan truyền khắp các mạng xã hội. Chỉ vài giờ sau khi được đăng tải, bức ảnh đã được chia sẻ tới hơn 50.000 lần, hơn 73.000 lượt thích và hơn 4000 bình luận.
Bức ảnh khiến người dân thêm hoang mang. Tuy nhiên, theo New York Times, đây là bức ảnh giả mạo. Thậm chí nó còn là trò lừa bịp quen thuộc, thường được tung ra sau những cơn bão lớn.
Trước đó, sau trận bão Sandy (2012) và Irene (2011), một bức ảnh cá mập bơi trên đường phố tương tự cũng đã bị những kẻ lừa đảo tung ra, gây hoang mang. Theo tờ Snopes, bức ảnh này đã ghép hình ảnh của một người nghiên cứu về cá mập ở ngoài khơi bờ biển Nam Phi với đường phố Houston. Bức ảnh cá mập thực sự đã xuất hiện trên tạp chí Địa lý châu Phi vào năm 2005.
Thông tin trên không phải là thông tin giả mạo duy nhất xuất hiện trên các mạng xã hội trong nhiều ngày qua. Các nhà chức trách cũng như Cảnh sát Biển Mỹ đang yêu cầu người dân không nên vào các mạng xã hội như Facebook hay Twitter để kêu cứu bởi hình thức đó không hiệu quả. Hơn nữa, mạng xã hội đang tràn ngập thông tin giả mạo, gây hoang mang. Việc cung cấp thông tin công khai cũng có thể dẫn đến nhiều rủi ro.