|
Hình ảnh từ vệ tinh SOHO cho thấy tàn dư sao chổi ISON tiếp tục lần theo vòng cung bên phải sau khi tiếp cận với Mặt trời. |
ISON – từng được mệnh danh là “sao chổi thế kỷ” đã biến mất một cách kỳ bí khi bay qua bầu trời, chỉ để lại một vệt bụi bay trong không gian, khiến kỳ vọng được chứng kiến “một cuộc trình diễn ánh sáng ngoạn mục” của nhiều người tan vỡ.
Được hai nhà thiên văn học người Nga phát hiện vào tháng 9/2012, sao chổi ISON với đường kính 1,2 km ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới khoa học vì nó có nguồn gốc từ những vật chất hình thành nên hệ Mặt trời từ cách đây 4,5 tỷ năm.
Karl Battams nhà thiên văn học tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân đăng trên tài khoản Google+ cho độc giả biết: “Có vẻ như ISON không thể sống sót sau cuộc hành trình”. Ý kiến này đã làm hàng triệu người thất vọng vì không còn cơ hội ngắm một sự kiện thiên văn trong dịp Noel. Hình ảnh được truyền về từ vệ tinh cho thấy, những dấu tích còn lại của sao chổi ISON đang lan rộng theo hình vòng cung quanh mặt trời – một hiện tượng được có tên “đuôi không đầu”.
Bruce Betts, giám đốc dự án Planetary Society cho biết: “Sao chổi ISON sống hay không vẫn còn chưa biết. Hy vọng chúng ta có thể làm rõ vấn đề này”. Battam cung cấp thêm: ông và đồng nghiệp đã quan sát hàng ngàn sao chổi bay qua Mặt trời nhưng chưa có sao chổi nào hành xử kỳ lạ như ISON.
Trong vài ngày qua, hành trình của ISON đã làm dấy lên nhiều dự đoán: Sao chổi này sẽ tỏa sáng? Hay phai nhạt đi? Vào sáng thứ năm vừa qua, các nhà thiên văn nhìn thấy rõ ràng rằng sao chổi đang trở nên mờ đi khi bay hướng về vùng nóng cao điểm, tại khoảng cách tối thiểu dự kiến 730.000 dặm (1,2 triệu km) và vận tốc tối đa 850.000 mph (380 km/giây).
Dựa vào đó, các nhà khoa học ước tính, sao chổi ISON có bán kính khoảng 1 km tính từ tâm. W. Dean Pesnell – nhà khoa học thuộc dự án SDO của Trung tâm bay vũ trụ Goddard NASA (NASA's Goddard Space Flight Center) cho biết: “Tôi muốn biết điều gì sẽ xảy ra với nửa dặm vật liệu bay quanh Mặt trời. Nhưng bây giờ, mọi thứ đã biến mất, tôi không còn thấy gì nữa.
Rời đám mây tinh vân Oort nằm ngay rìa hệ Mặt trời, một khu vực chứa hàng tỷ khối đá và băng còn sót lại sau quá trình hình thành các hành tinh, ISON đã tiến thẳng vào quỹ đạo Mặt Trời do lực hút mạnh của vầng thái dương.
ISON là sao chổi được theo dõi lâu nhất từ trước đến nay, và sự biến mất kỳ lạ của nó không khỏi khiến các nhà khoa học tiếc nuối. Tuy nhiên, họ vẫn giữ một tia hy vọng nhỏ rằng dữ liệu đồ sộ thu thập được từ chuyến đi của ISON sẽ làm sáng tỏ vấn đề tại sao sao chổi lại rơi. Các nhà khoa học cũng có thể sử dụng tài liệu này để tìm hiểu loại vật chất sớm nhất bay xung quanh Mặt trời rồi kết hợp lại thành sao chổi và các hành tinh nhiều tỷ năm trước đây. Điều đó sẽ giúp các nhà thiên văn học bận rộn cho đến khi “sao chổi của thế kỷ” tiếp theo xuất hiện.
Battams cho biết: “Đó là một cuộc hành trình tuyệt vời và là năm bận rộn nhất trong sự nghiệp của tôi... Chúng ta sẽ phải tìm hiểu nhiều hơn nữa về các sao chổi”.