Kỳ lạ cá bống trắng đổi màu trong 1 phút

Google News

(Kiến Thức) - Các nhà khoa học kinh ngạc về khả năng thay đổi màu sắc cơ thể thần tốc của loài cá này, với mục đích ngụy trang. 

Loài cá bống trắng, có tên khoa học là Gobius paganellus, là một loài cá nhỏ có thể được tìm thấy ở các hồ nước khắp nước Anh, Nam Âu và Bắc Phi, là một bậc thầy về ngụy trang, nghiên cứu mới cho biết.
Trong vòng chỉ 1 phút, loài cá bống này có thể thay đổi màu sắc và độ sáng để ngụy trang bản thân khỏi kẻ săn mồi, chẳng hạn như chim và cá. Nhà khoa học Martin Stevens, nghiên cứu viên cấp cao ở Trung tâm Sinh thái và Bảo tồn của Đại học Exeter, Anh cho biết: “Những con cá nhỏ sống trong các hồ nước cần ngụy trang để tránh kẻ thù, chúng thay đổi màu sắc siêu tốc để có thể giấu mình ở nhiều nơi một cách nhanh chóng”.
 Loài cá bống trắng có khả năng thay đổi màu sắc cơ thể“thần tốc”, chỉ trong 1 phút.
Do bị hấp dẫn bởi khả năng thay đổi màu sắc “thần tốc” của cá bống, nhà khoa học Stevens và các đồng nghiệp quyết định điều tra xem loài cá bống nhỏ thay đổi diện mạo như thế nào. Nhóm nghiên cứu bắt khoảng 40 con cá tại bãi biển Gyllyngvase ở Cornwall, Anh, sau đó nhanh chóng bỏ chúng vào một chiếc thùng nước biển nền màu xám để giảm thiểu khả năng thay đổi màu sắc của con vật trước khi thí nghiệm.
Các nhà nghiên cứu xác định xem cá bống thích ứng với các mức độ sáng khác nhau như thế nào bằng cách đặt 40 con cá vào trong các thùng chứa có nền màu trắng hoặc đen. Sau đó, họ tiếp tục với các thùng nước màu rực rỡ hơn như màu đỏ hoặc màu xanh. Các nhà nghiên cứu chụp ảnh, phân tích và đo thời gian cá để thay đổi màu sắc. Kết quả cho thấy khả năng ngụy trang của loài cá xảy ra gần như ngay lập tức. Các con cá bống có thể thay đổi cả độ sáng và màu sắc để phù hợp với màu nền của thùng nước chứa nó.
Ngụy trang bằng cách thay đổi màu sắc nhanh chóng là lợi thế lớn cho các loài cá khi ở gần các động vật ăn thịt. Sự thay đổi màu sắc ở cá bống diễn ra nhanh chóng nhờ hỗ trợ của các tế bào sắc tố (các tế bào đặc biệt trên cơ thể của các loài cá). Những tế bào này có thể làm lây lan hoặc ngưng tụ các sắc tố màu khác nhau trên cơ thể cá. Khi cá bơi đến một vị trí mới, hệ thống thị giác sẽ hướng dẫn nó thay đổi màu sắc của tế bào.
Các nghiên cứu về khả năng ngụy trang thay đổi màu sắc từng được tiến hành ở các loài như tắc kè hoa, mực, cá bẹt và cua… Nhưng những nghiên cứu trước đây hiếm khi định lượng được những thay đổi về màu sắc và độ sáng hay lý giải nguyên nhân đổi màu nhanh chóng xảy ra, các nhà nghiên cứu cho biết.
Lưu Thoa (theo LS)

Bình luận(1)

Minh Hiền

Trần Trân

Thiên nhiên thật kì diệu khi ban tặng những loài động vật bé nhỏ khả năng tuyệt vời để có thể trốn tránh được kẻ thù.