|
Hòn đá án ngự ngay giữa ngã ba đường với những lời đồn thổi chưa có cơ sở và chưa có một ai xác minh. |
Hòn đá mang hồn của thần thánh
Sinh ra và lớn lên tại thôn Vèo, xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) cụ Chén, 97 tuổi cũng không biết chính xác hòn đá thiêng mọc ở ngã ba thôn có từ bao giờ. Cụ chỉ nhớ, từ thuở bé nó đã “mọc” ở đó và người dân trong làng mỗi dịp mồng 1, ngày rằm và lễ tết trong năm lại đổ xô nhang khói cúng bái.
Theo quan sát của chúng tôi, hòn đá có hình nón, cao khoảng 40cm, phần chân có đường kính 50cm án ngữ ở chính giữa đường. Hòn đá được người dân trong vùng xây trụ bao quanh và có bát hương thờ cúng đàng hoàng.
Tuy nhiên, khi được hỏi lí do vì sao làm vậy thì tất cả mọi câu trả lời đều mơ hồ rằng cứ mỗi khi màn đêm chìm xuống là người dân bản địa lại thấy xuất hiện các tiên ông ngồi bên cạnh hòn đá đánh cờ với nhau.
Không một ai trong thôn Vèo, thậm chí là người cao niên nhất cũng không thể nhớ nổi hòn đá thiêng ngã ba thôn Vèo có từ bao giờ. Cũng không có sử sách chính thống nào ghi chép lại lịch sử và ý nghĩa của hòn đá đang “ngự” tại ngã ba đường của thôn. Người ta chỉ nói với nhau rằng ngày xưa khi phát quang để làm đường, phát hiện thấy hòn đá sừng sững ngay đó và cũng kể từ đấy người dân tâm niệm “đá mọc ra từ lòng đất”, mang ý nghĩa linh thiêng sẽ bảo vệ cho cuộc sống và sự an cư của họ.
Phần do hòn đá có hình thù nhẵn nhụi, không khác với những hòn đá bình thường khác nhưng qua bao thời gian, bao mưa gió bão bùng mà hòn đá không hề bám dính rêu phong hay bị mài mòn nên những câu chuyện thần kì xung quanh nó càng trở nên thuyết phục…
Cụ chén kể, khoảng năm 1986, khi con đường làng được mở rộng ra, người lái máy ủi vô tình ủi vạt một bên đá thì bỗng chiếc xe ủi bị đẩy lùi lại. Người thợ máy sợ hãi nhất định không nhận ủi hòn đá nữa. Từng tận mắt thấy cảnh lạ, chị Phạm Thị Út ở làng bên cho biết một hôm chị có việc đột xuất nên về muộn.
Hôm đó trời rất tối, chị ra dắt bò về thì thấy ở xung quanh hòn đá phát ra một thứ ánh sáng rất kỳ lạ. Sau đó hòn đá bỗng nhiên chuyển động. Từ hôm đó đến nay, chị không dám chăn bò qua chỗ ấy nữa.
Liệu có còn dấu tích của lịch sử?
Theo lời kể của người dân nơi đây, ngày trước, cạnh hòn đá có rất nhiều cây lộc vừng và cây sữa bao bọc. Sát hòn đá có một cái giếng mà người ta gọi nó là giếng Già nhưng hiện nay miệng giếng đã bị lấp. Anh Đỗ Văn Bình - gia đình có 9 đời sống tại ngã 3 đường nơi hòn đá thiêng kỳ lạ nằm cho biết:
Trước đây, khu vực này là Điếm làng, hiện nay Điếm đã được di chuyển về khu vực gần nhà văn hóa thôn và bát hương cũng đã được chuyển về đó để thờ cúng nhưng tuyệt nhiên hòn đá thì không ai dám động tới. Khi làm đường, người ta còn phát hiện ra 3 hòn đá nữa nhỏ hơn ở cạnh đó, người làng đã cẩn thận làm lễ vào chôn cạnh hòn đá lớn. Người ta cũng đồn rằng, đây cũng có thể là nơi đội quân Tàu ngày trước đã yểm để giữ của khi đi ngang qua đây nên hòn đá đó mới linh thiêng đến mức như vậy.
Theo cuốn Ngọc phả trong ngôi Điếm của làng có ghi trước đây thôn Vèo được gọi bằng cái tên khác là Nương Phao thôn, thuộc Tổng Định Trung. Nơi đây là Điếm thờ thổ thần và cũng là nơi dành cho đội quân tuần phiên đi tuần dừng chân nghỉ ngơi. Khi mở rộng đường dân sinh thì 3 gian Điếm được dịch chuyển. Thời tiền cổ, nơi đây gọi là Điền Trang của nghĩa quân Lỗ Đình Sơn được xây dựng cách đây 700 năm và là Trại nông binh của 7 anh em nhà họ Lỗ.
|
Các cụ cao làng thì một mực tin, còn thế hệ trẻ thì cho rằng đấy tất cả chỉ là “tin đồn và nghe nói” |
Được biết, năm 1258 thì 7 anh em nhà họ Lỗ thuộc thời của vua Trần Thái Tông đã phát động một cuộc khởi nghĩa. Trên đường di chuyển từ vùng Tam Đảo tới khu vực Nương Phao thôn thì dừng lại lập Nông trang và củng cố nghĩa quân tại đây. Họ đã giúp vua Trần Thái Tông đánh đuổi giặc ngoại xâm và giúp dân làng có được cuộc sống no ấm.
Nên để tưởng nhớ nghĩa quân của 7 anh em nhà họ Lỗ người ta đã lập Miếu thờ họ ở khu vực đó. Miếu này gọi là Miếu thờ Lỗ Đình Sơn, Thất vị Đại vương. Chính vì điều này nên ngày 25 -1 -2012 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã công nhận nơi này là di tích văn hóa. Như vậy, rất có thể hòn đá là một phần của Miếu thờ còn sót lại.
Bao nhiêu phần trăm huyền bí?
Có câu, nếu một người tin thì đó chưa phải là sự thật, nhưng nếu rất nhiều người tin vào điều gì đó thì điều đó sẽ trở thành sự thật. Và câu chuyện về hòn đá ở thôn Vèo cũng vậy. Khi được hỏi về những câu chuyện huyền bí xung quanh hòn đá thì anh Đỗ Văn Bình một mực không tin vào những gì mọi người truyền miệng từ xưa đến nay. Bởi dĩ gia đình anh sống 9 đời tại ngạy cạnh hòn đá mọc nhưng chưa một ai thấy điều gì bất bình thường.
Anh cũng bày tỏ bức xúc khi trước đây có rất nhiều người về đưa tin nhưng hoàn toàn viết sai, viết quá và làm huyễn hoặc sự việc: “Thật sự không hề có chuyện ai lại gần hòn đá thì sẽ bị người dân đuổi đánh, cũng không hề có chuyện muốn chụp ảnh, ghi hình ở hòn đá thì phải được trưởng thôn dẫn ra cũng như cho phép như một số báo đã đưa tin”.
Anh Bình cũng cho hay, thực ra vào ngày rằm và mồng 1 nhiều người đi chùa gần đấy tiện thì họ mua hương để đấy để ai thắp thì thắp chứ không phải “lệ” hương khói như mọi người đồn thổi với nhau.
Xác thực thông tin, chúng tôi tìm gặp anh Hoàng Văn Kỳ, cán bộ văn hóa xã Định Trung và được anh cho hay: “Không hề có chuyện hòn đá phát sáng hay có ai đêm đêm ngồi đấy đánh cờ cả. Tất cả đều do người dân tự đồn thổi với nhau.
Anh cũng chưa tiếp một ai về tận đây chỉ để hỏi chuyện về hòn đá. Với anh, đây là một vật vô tri không hề có hoạt động thờ cúng hay tín ngưỡng gì đối với hòn đá”. Đồng thời, xã cũng chưa bao giờ thuê người về để ủi hòn đá nên không thể có chuyện xe đang ủi mà chết máy hay người thợ máy sợ hãi bỏ về.
Chưa bàn tới giá trị huyền bí của hòn đá bởi không có thước đo nào để chứng thực sự thật sự linh thiêng của hòn đá đối với làng Vèo. Tuy nhiên, để lý giải vì sao dù không có giá trị văn hóa tín ngưỡng hay hiện tượng, dấu hiệu tâm linh gì đặc biệt nhưng hòn đá vẫn án ngự giữa đường ảnh hưởng tới giao thông cũng như nguy hiểm đối với người tham gia giao thông nhất là thời điểm đêm, tối thì chính quyền địa phương vẫn chưa đưa được một câu trả lời thuyết phục…