Huỳnh quang làm giấy trắng ảo
Theo ThS Nguyễn Văn Hiệp, Trung tâm Khoa học công nghệ và Môi trường (Công ty TNHH Viện Công nghiệp giấy và Xenluylo), từ trước đến nay mọi người vẫn cho rằng cần tăng độ trắng của giấy để tăng độ tương phản giữa giấy nền và mực in, giúp hình ảnh trở nên rõ nét hơn. Tuy nhiên, ở lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất, ThS Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ rằng, để tăng độ trắng cho các sản phẩm giấy in, giấy viết người ta thường sử dụng một lượng chất độn có độ trắng cao, tẩy trắng bột giấy và chất làm trắng quang học trong quá trình sản xuất. Việc làm này hoàn toàn không tốt cho sức khoẻ, môi trường.
ThS Nguyễn Văn Hiệp phân tích, quá trình làm trắng giấy được diễn ra từ khâu tăng độ trắng cho bột giấy đầu vào bằng các hóa chất tăng độ trắng, loại bỏ lignin, các hợp chất biến đổi và các hợp chất mang màu. Hóa chất phổ biến trong quá trình tẩy là các hợp chất của clo, clo, xút, H2O2...
Tiếp đến, người ta sử dụng hóa chất tăng trắng quang học trong quá trình sản xuất giấy. Đây là cách tăng ánh sáng phản xạ và phẩm màu để hấp thụ ánh sáng vàng và đỏ nhằm tạo cảm giác trắng hơn. Các chất tăng trắng quang học được sử dụng phổ biến như nhóm sulfonate, các chất huỳnh quang trong đó có tinopal...
"Bản chất của hiện tượng làm tăng độ trắng quang học là tăng cường độ của tia phản xạ, tăng độ trắng cảm quan cho giấy. Điều đáng nói là các chất tăng trắng quang học đều không bền với thời gian nên giấy bị giảm độ trắng và ố dần khi sử dụng. Ngoài ra, các chất hóa học có những ảnh hưởng nhất định đến sức khoẻ và môi trường. Như chất tăng trắng huỳnh quang gây kích ứng với mắt và phản ứng với các vùng da nhạy cảm. Khi tồn tại trong nước chất tăng trắng có hại cho cá và thủy sinh. Đây cũng là các hợp chất khó phân hủy, tích tụ sinh học nên nguy hiểm đến sức khoẻ và môi trường về lâu dài...", ThS Nguyễn Văn Hiệp nhấn mạnh.
|
Người dân nên sử dụng giấy có độ trắng thấp nhưng chất lượng giấy tốt. |
Sửa đổi tiêu chuẩn độ trắng của giấy
Các nhà khoa học nghiên cứu và sản xuất về giấy cho hay, hiện nay tiêu chuẩn độ trắng của giấy giữa Việt Nam và một số nước đang có sự khập khiễng. Nói chính xác là Việt Nam đang đề ra độ trắng quá cao cho giấy in. Như tiêu chuẩn Việt Nam quy định cho giấy in cấp A là >_ 88%. Trong khi đó, tiêu chuẩn loại giấy này của Nhật Bản chỉ >_75%, Đài Loan >_ 78%... Xu hướng hiện tại của nhiều nước sử dụng giấy có độ trắng chỉ từ 68 - 72%.
Trước thực trạng đó, bà Thái Quỳnh Hoa, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng đồng tình và đưa ra ý kiến: Trong tiêu chuẩn có một số chỉ tiêu không còn phù hợp. Bởi trên thực tế hiện tại giấy in và giấy viết khoảng 70 - 78% ISO là vừa. Vì thế, cần có những đề xuất sửa đổi khi xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, đồng thời phải có những nghiên cứu sâu hơn về các chỉ tiêu khác để đưa ra thị trường các sản phẩm giấy an toàn cho sức khoẻ người sử dụng, đảm bảo môi trường. "Hội thảo là cơ sở để chúng tôi đề xuất các tiêu chuẩn mới đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng", bà Quỳnh Hoa nói.
Các nghiên cứu của Công ty TNHH Viện Công nghiệp giấy và Xenluylo đã khẳng định, Việt Nam có thể sản xuất được giấy tự nhiên độ trắng thấp, chống lóa, không sử dụng hóa chất tẩy trắng, tăng trắng với chất lượng tương đương với các giấy cao cấp nhập ngoại. Công nghệ mới này có thể áp dụng cho các loại máy đời cũ, đời trung và đời mới mà không phải thay đổi các chi tiết máy. Điều này vừa bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, an toàn cho môi trường, tiết kiệm chi phí doanh nghiệp.