Lấy mẫu là khâu quan trọng nhất
Sau khi Công an TP Hà Nội thông báo kết quả giám định ADN của thi thể chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, nạn nhân vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường. Nhiều bạn đọc quan tâm đến độ chính xác của kết quả giám định ADN.
Giáo sư Lê Đình Lương, Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam cho biết, trong giám định ADN, với những mẫu giám định người sống thì xác xuất sai gần như bằng 0. Nhưng đối với những hài cốt lâu năm thì xác xuất đúng chỉ là 95 - 97% vì ADN trong hài cốt chôn lâu năm trong điều kiện khí hậu nóng ẩm không còn chất lượng nữa.
Quy trình từ lúc có mẫu đến lúc cho ra kết quả ADN khá phức tạp và sử dụng nhiều loại máy khác nhau, trong đó quan trọng nhất là khâu tách chiết ADN. Lúc này, yêu cầu về trình độ của kỹ thuật viên khá cao. Nếu tách chiết không chuẩn thì sẽ cho ra kết quả sai lệch.
GS Lê Đình Lương cho biết, quy trình được thực hiện gồm lấy mẫu xương, làm sạch qua nhiều máy. Sau đó sử dụng máy nghiền xương thành bột mịn (máy nghiền mẫu cứng), tách chiết từ bột xương này qua một số máy móc chuyên dụng, trong đó mấu chốt là máy lắc gia nhiệt. Máy này chạy tối thiểu 1 ngày thì mới cho ra kết quả, sau đó đưa mẫu ADN vào máy li tâm, khi đó tách được ADN.
Cho mẫu ADN vào máy và nhân lên hàng triệu lần để đưa vào máy xử lý kết quả nhân ADN (máy điện di mao quản). Máy sẽ cho kết quả lên màn hình máy tính. Kỹ thuật viên phân tích kết quả này trên máy tính và đối chiếu với kết quả ADN của mẫu cần đối chiếu để đưa ra kết quả là có quan hệ huyết thống hay không.
"Như vậy, để đọc được kết quả thì cần kỹ thuật viên phải có trình độ nhất định, so sánh các đoạn ADN đó và đưa ra kết luận chứ máy không làm việc này. Bởi thế, khâu con người trong phân tích kết quả ADN là rất quan trọng", GS Lê Đình Lương cho biết.
|
Ảnh minh họa. |
ADN trong nước bị phân hủy nhanh
GS Lê Đình Lương đã giám định hàng trăm mẫu ADN thuộc dạng "khó", trong đó có một vài mẫu xương cũng bị ngâm trong nước một thời gian khá dài. Ông cho biết, việc lấy ADN từ mẫu xương ngâm dưới nước khó khăn hơn nhiều so với mẫu được chôn cất bình thường.
Thế nhưng, ngay cả những mẫu được chôn cất, việc lấy mẫu ADN cũng có độ khó dễ khác nhau. Nếu thi thể chôn cất ở vùng đất có nhiều vi khuẩn thì sẽ rất khó khăn trong việc chiết tách ADN. Thậm chí có những mẫu xương không còn ADN nữa. Tuy nhiên, các mẫu này đa phần là vài chục năm chứ chưa bao giờ có mẫu xương của người mất vài tháng mà không tìm được ADN, dù là dưới nước hay được chôn cất bình thường.
Khi được hỏi về khả năng chính xác trong mẫu xương của chị Huyền ở vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường, GS Lê Đình Lương cho hay, nếu được cầm mẫu xương đó thì ông mới có thể biết chắc chắn nó còn ADN không. Còn nói về tính chính xác thì chắc hẳn các cơ quan chức năng đã làm rất kỹ rồi. Xét nghiệm ADN là sản phẩm và công việc của con người, dù có máy móc thì yếu tố con người vẫn quyết định. Nên một khi cơ quan chức năng đã làm rõ thì không nên đặt câu hỏi thêm về việc mẫu đó có chính xác hay không. Còn thực tế cũng đã có những vụ việc, thậm chí người ta không thực hiện phân tích ADN mà vẫn cho ra kết quả.
Hiện công nghệ và máy móc phân tích ADN đều nhập từ nước ngoài, Việt Nam chưa tự tạo ra được các hóa chất, chưa tự sản xuất được máy móc, công nghệ và chưa làm chủ được lĩnh vực này. Do đó, yêu cầu về trình độ của kỹ thuật viên phải đặc biệt cao thì mới đảm bảo độ chính xác.
"Kết quả phân tích ADN một cách nghiêm chỉnh thì xác xuất sai chỉ dao động từ 0 - 1%. Vì yếu tố con người đóng vai trò khá quan trọng nên cần có những quy định rõ ràng về trình độ của các kỹ thuật viên làm công việc này".
GS Lê Đình Lương