Reuters cho biết khu bảo tồn và sở thú Thoiry phát hiện con tê giác trắng 4 tuổi tên Vince đã chết vào sáng 7/3, một sừng của nó bị cắt mất. Thông tin ban đầu cho thấy con vật bị bắn 3 phát vào đầu và sừng của nó nhiều khả năng bị cắt bằng cưa.
Gọi đây là "hành động man rợ", sở thú Thoiry tin rằng vụ việc lần đầu tiên xảy ra ở châu Âu. Bọn săn trộm đã đột nhập qua một cổng của khu bảo tồn vào ban đêm và phá tấm cửa sắt dẫn vào khu đất nơi con tê giác sống.
|
Tê giác Vince khi còn sống. Ảnh: Sở thú Thoiry/Reuters. |
Trước đó sở thú Thoiry đã tăng cường các biện pháp an ninh, bao gồm camera giám sát và cử 5 nhân viên túc trực thường xuyên. Vì vậy, vụ tấn công càng khiến nhiều người cảm thấy sốc và tức giận.
"Để vào được những nơi này, bọn chúng phải trèo tường rào cao 3,5 m, đi qua nhiều cửa có khóa. Không dễ để giết một con tê giác nặng vài tấn như vậy. Chỉ có bọn chuyên nghiệp mới làm được", Guardian dẫn lời Paul de La Panouse, cựu giám đốc bộ phận châu Phi tại sở thú Thoiry.
Hai con tê giác khác sống tại Thoiry là Gracie 37 tuổi và Bruno 5 tuổi không gặp nguy hiểm. Sừng thứ hai của Vince bị cắt dở một phần nên cảnh sát tin rằng những tay săn trộm lo sợ bị phát hiện hoặc dụng cụ của chúng bị hỏng.
Vince được đưa đến Thoiry vào tháng 3/2015 sau khi chào đời tại một sở thú ở Hà Lan vào năm 2012.
Việc buôn bán sừng tê giác bị cấm trên phạm vi toàn cầu theo một công ước của Liên Hợp Quốc. Tại Pháp, buôn bán sừng tê giác là hành vi bất hợp pháp.
Tuy nhiên nhu cầu về sừng tê giác đặc biệt mạnh ở các nước châu Á, nơi nhiều người tin rằng sừng của loài vật này có nhiều công dụng y học. Các nước châu Phi, nơi sống của 80% lượng tê giác trên thế giới, đã đấu tranh chống lại bọn săn trộm trong nhiều năm.
|
Hai con tê giác Bruno (trái) và Gracie tại sở thú Thoiry, cách Paris 50 km về phía tây. Ảnh: Reuters. |
Sở thú Thoiry cho hay giá một ký sừng tê giác đã tăng lên đến gần 54.000 USD ở thị trường chợ đen vào năm 2015.
Theo tổ chức Save the Rhino (Cứu Tê giác), số lượng tê giác trắng phương nam, từng đứng bên bờ vực tuyệt chủng, đã tăng lên và hiện vào khoảng 20.000 con, nhờ vào những nỗ lực bảo tồn.
Trong khi đó, chính phủ Nam Phi công bố dữ liệu cho thấy số vụ săn trộm sừng tê giác tăng từ 83 vụ năm 2008 lên 1.215 vụ năm 2014, song đã giảm trong 2 năm qua.