Tác phẩm của bà Margaret đã xuất hiện trong nhiều bộ phim và chúng chính là nguồn cảm hứng cho series phim hoạt hình danh tiếng “3 nữ siêu nhân nhí” của kênh Cartoon Network. Tuy vậy, chính vụ lừa đảo của chồng cũ của bà Margaret Keane là ông Walter Keane và cuộc “thi vẽ” vô tiền khoáng hậu trước quan tòa của hai vợ chồng mới khiến những bức tranh “Mắt to” thực sự được biết đến khắp nước Mỹ.
Trong những năm 1960, giới nghệ thuật ở Mỹ sôi sục vì một họa sĩ vô danh tên Walter Keane (1915-2000) và các bức họa vẽ những em bé buồn bã có cặp mắt to của anh ta. Walter Keane - vốn đang là một nhân viên môi giới nhà đất - bỗng nhiên trở thành một trong những họa sĩ đắt giá nhất thập niên 1960: một bức tranh của Walter đáng giá 50.000 USD.
Công chúng càng yêu mến Walter hơn khi nghe anh tâm sự về nguồn cảm hứng của mình: “Năm 1946, tôi tình cờ nhìn thấy một đám trẻ vô gia cư ở Đức đang bới rác kiếm miếng ăn. Trong tim tôi bỗng tràn ngập thương cảm, tôi lao về nhà và ngay lập tức bắt đầu sáng tác. Tôi đã trở thành một họa sĩ như thế đấy”.
Tính cách quảng giao và cuộc hôn nhân kiểu mẫu của Walter cũng khiến anh ta trở nên rất đáng ngưỡng mộ. Đi đến đâu anh ta cũng kể về lần đầu tiên anh gặp vợ thứ hai của mình, họa sĩ khiếm thính Margaret Keane: “Tôi gặp cô ấy trong một triển lãm tranh. Cô ấy ngay lập tức nói rằng tôi là người đàn ông đẹp trai và cuốn hút nhất cô ấy từng gặp. Margaret ca tụng những tác phẩm của tôi, gọi tôi là một họa sĩ thiên tài và những bức tranh của tôi đẹp đến mức khiến cô ấy chảy nước mắt”.
|
Ông Walter Keane và bà Margaret Keane. |
Tuy nhiên, hai câu chuyện này hoàn toàn là dối trá. Walter Keane không hề vẽ bất kì một bức tranh nào hết và mọi tác phẩm kí tên Walter thực ra là do Margaret Keane vẽ.
Margaret sinh ngày 15-9-1927 tại Nashville, Tennesse. Khi tròn 2 tuổi, cô bé mất khả năng nghe sau một cuộc phẫu thuật thất bại. Do không thể nghe, cô bé phải nhìn vào mắt người đối diện để hiểu họ - chính điều này đã khơi nguồn cảm hứng cho những bức họa của Margaret sau này. Margaret theo học trường Mỹ thuật Traphagen ở New York năm 18 tuổi.
Margaret gặp gỡ Walter vào giữa những năm 1950 và lúc này hai bên đều đã có gia đình. Hai người kết hôn năm 1955, tại Honolulu, Hawaii. Trong một cuộc phỏng vấn rất lâu sau này, Margaret tự nhận là một người rất rụt rè và ngại giao tiếp, vậy nên bà thích ở nhà vẽ tranh và để Walter mang những tác phẩm của bà đi rao bán. Khi chưa nổi tiếng, Walter bán những bức họa “Mắt to” tại một sân khấu hài ở San Francisco. Chính tại nơi đây, Margaret đã bắt gặp chồng mình tự nhận là tác giả của những bức tranh vợ vẽ.
Margaret kể lại: “Tôi bắt ông ấy giải thích và ông ấy bao biện rằng hai vợ chồng cần tiền, nếu bây giờ ông ấy đính chính thì người mua sẽ kiện cả hai vợ chồng, và người mua thích trò chuyện với hoạ sĩ, trong khi tôi thì bị khiếm thính”.
Sau đó, Walter nghĩ ra một giải pháp: nhờ Margaret dạy mình vẽ tranh. Tuy nhiên, Walter không vẽ nổi và lại đổ lỗi cho vợ vì không chịu kiên nhẫn dạy chồng. Bất lực và biết rõ mình không thể tự nuôi sống bản thân cùng con gái, Margaret tiếp tục để chồng “lấy cắp” những bức tranh của mình đem đi bán và đâu lại vào đấy.
Ở thời kì đỉnh cao, Walter bán được hàng trăm bức tranh và hàng nghìn sản phẩm in những bức họa “Mắt to”. Những bức vẽ được treo ở nhiều nơi, từ những căn nhà xinh xắn ở ngoại ô, đến những nơi cao quý như Ngân hàng Quốc gia và khách sạn Sheraton.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian, Margaret cho biết bà không nhận được một đồng lợi nhuận nào. Cả gia đình chuyển vào một ngôi biệt thự to đẹp, có hồ bơi và có rất đông người giúp việc. Vô số ngôi sao nổi tiếng của thế kỉ 20 như Joan Crawford, Natalie Wood, Jerry Lewis... đến gặp gỡ vị “họa sĩ” tài danh Walter Keane và mua những bức tranh khổ lớn. Margaret không hề được gặp họ, bởi vì cô tự nhốt mình 16 tiếng một ngày trong studio để vẽ tranh cho chồng.
|
Một trong những bức tranh “Mắt to”. |
Walter liên tục yêu cầu Margaret đổi mới những bức tranh của mình; anh ta cho rằng những đứa trẻ trong tranh phải ngồi trên một mỏm đá, ngồi một mình giữa cánh đồng hoa, hoặc mặc những bộ đồ xinh xắn... thì những tác phẩm mới bán được giá. Đã có lần, Walter bắt vợ hoàn thành một bức tranh khổ lớn vẽ hàng trăm đứa trẻ chỉ trong một tháng để trưng bày ở Liên Hiệp Quốc.
Không chỉ bóc lột sức lao động của vợ, Walter còn tìm cách giam giữ Margaret tại nhà vì sợ mất đi “con gà đẻ trứng vàng”. Margaret kể lại: “Walter sẽ gọi điện về nhà mỗi giờ đồng hồ để đảm bảo là tôi vẫn đang ở trong phòng vẽ, ông ta cũng không cho phép tôi được giao du với ai. Walter tìm mọi cách đàn áp tôi, thậm chí ông ấy còn đánh ngất xỉu con cún tôi yêu quý nhất”.
Năm 1965, chỉ khi đã thỏa thuận rằng mình vẫn sẽ tiếp tục vẽ cho Walter, Margaret ly dị chồng. Cho đến tận năm 1970, Margaret nhận ra mình không việc gì phải lao động không công cho người chồng cũ dối trá nữa và cô vạch mặt ông chồng cũ trong một chương trình radio. Ngay sau đó, một cuộc thi vẽ giữa hai vợ chồng được tổ chức công khai tại quảng trường San Francisco bởi phóng viên Bill Flang, tuy vậy Walter cáo ốm và không đến.
Năm 1986, cô khởi kiện Walter vì đã ăn cắp công sức của cô và cả tờ USA Today vì đã viết một bài báo bênh vực Walter. Tại phiên tòa này, vị thẩm phán đã nghĩ cách phân xử có một không hai: ông yêu cầu hai vợ chồng thi vẽ, ai hoàn thành bức tranh theo chủ đề "Mắt to" trước thì người đó thắng kiện. Trong khi Margaret hoàn thành bức vẽ chỉ trong 53 phút thì Walter từ chối vẽ vì bị... đau vai.
Margaret thắng kiện và được đền bù 4 triệu USD. Tuy nhiên bà vẫn chưa nhận được đồng nào vì Walter đã tiêu sạch gia tài của mình vào rượu và chất kích thích. Walter qua đời năm 2000 trong cảnh không một xu dính túi, còn Margaret chuyển đến sống ở California và tiếp tục sáng tác đến tận hôm nay.