Khi A. Bietolini và J. Brachi tới gần làng Jhangjhe khoảng 100m, đột nhiên có tiếng chó sủa dữ dội… Rồi một con vật với bộ lông xoăn tít, cao độ 1m cùng những cặp chi dài như chân bê, nặng tới cả tạ như muốn lao vào cắn xé họ, cho đến khi chủ nhân là một người cư ngụ trong làng lên tiếng nó mới chịu thôi.
Sau khi nghiên cứu tỉ mỉ, các nhà khoa học đều nhất trí cho rằng đó chính là loài chó ngao Tây Tạng (Tibetan Mastiff), một giống chó chăn cừu nổi tiếng - "ông bành tổ" của các giống chó săn tinh khôn hiện nay, từng bị giới động vật học đương thời cho là đã tuyệt chủng.
Loài chó ngao được thuần hóa này đã hiện hữu trên hành tinh cách đây cả 5.000 năm, rất quen thuộc với các sắc dân Asiri và Finik cổ xưa. Còn người Hy Lạp và La Mã cổ đại thường dắt chúng đi bên cạnh ngựa chiến, như là biểu tượng của sự can đảm và lòng trung thành tuyệt đối. Giống chó chăn cừu Tây Tạng cũng từng gắn bó với nhiều sắc dân Trung Á khác nhau, cùng họ trải qua các bước thăng trầm trong lịch sử…
Tới đầu thế kỷ XIX, Công ty Đông Ấn của người Anh tại Á châu từng chính thức kiến nghị, rằng nên dùng loại khuyển Tây Tạng cho các mục đích phòng thủ của đảo quốc sương mù. Nhưng hàng chục chú chó ngao hồi ấy được chở đến châu Âu đều chết vì không quen khí hậu…
Từ đó huyền thoại về loài cẩu chăn cừu gốc Tây Tạng dũng mãnh chỉ còn lại trong các tranh vẽ cho đến nay. Hiện giới khoa học Italia đang có kế hoạch đưa loài cẩu cổ xưa nhất này về Âu lục, tạo giống trong điều kiện khí hậu trên các vùng núi cao kề rặng Alps bằng phương pháp nhân bản vô tính.