Vì sao hacker phát tán WannaCry muốn nhận tiền chuộc bằng Bitcoin?

Google News

Mở một cuộc tấn công phán tán phạm vi toàn cầu, chủ của mã độc WannaCry lại muốn nhận chuyển khoản từ các nạn nhân dưới dạng tiền ảo thay vì tiền thât.

WannaCry, một ransomware, hay còn gọi là phần mềm tống tiền, đã được sử dụng để tấn công mạng toàn cầu hôm 12/5. Mã độc này sẽ mã hóa các dữ liệu của người dùng và yêu cầu họ trả một khoản tiền qua Bitcoin để được trả lại dữ liệu gốc.
Lý do nào khiến tác giả của mã độc WannaCry muốn nhận thanh toán bằng Bitcoin, một đồng tiền ảo thay vì tiền thật dường như không khó hiểu.
Bitcoin, đồng tiền ảo, giá trị thật
Ra đời cuối năm 2008, Bitcoin là một thuật toán, một phần mềm mã nguồn mở được kỹ sư phần mềm Satoshi Nakamoto giới thiệu với thế giới. Để kiếm được Bitcoin, những "thợ đào" Bitcoin phải chạy các thuật toán để xác nhận giao dịch và được trả công bằng đồng tiền ảo này.
Những ngày đầu ra mắt, Bitcoin có giá trị rất nhỏ. Mãi tới năm 2010, giao dịch mua bán đầu tiên bằng Bitcoin mới được thực hiện, một chiếc pizza được bán với giá 10.000 Bitcoin, tương đương với 25 USD.
Đồng tiền ảo này dần dần thể hiện sức hút khi dần xuất hiện các dịch vụ, điểm bán hàng có hỗ trợ thanh toán bằng Bitcoin. Một vài quốc gia bắt đầu công nhận Bitcoin, thậm chí có quốc gia còn có ATM rút Bitcoin ra tiền giấy.
Có được sự nhận diện, lượng giao dịch lớn dần, giá trị của Bitcoin tăng phi mã trong giai đoạn đầu năm 2014, sau đó ổn định lại trong giai đoạn 2015-2016.
Hiện một Bitcoin có giá khoảng 1.700 USD. Trước ngày xảy ra sự kiện phát tán mã độc WannaCry, Bitcoin đã có nhiều phiên tăng giá liên tiếp, tăng từ mức 965 USD/Bitcoin ngày 26/3 lên mức 1.832 USD/Bitcoin ngày 11/5.
Chủ tiệm pizza đã nhận thanh toán bằng Bitcoin năm 2010 có thể ăn mừng vì chiếc bánh giá 25 USD năm ấy đã mang về cho vị này lượng Bitcoin trị giá hơn 17 triệu USD vào thời điểm hiện tại.
Tính tới 16/5, giá trị thị trường của toàn bộ lượng Bitcoin đang được lưu hành là khoảng 27,7 tỷ USD, là loại tiền mã hóa có giá trị thị trường lớn nhất từng được tạo ra.
Đồng tiền không bị kiểm soát
Bitcoin có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào, đồng nghĩa với việc giao dịch mua bán của bạn không hề mất phí cho ngân hàng hay bất kỳ thể chế kinh tế nào.
Tiện lợi, tiết kiệm chi phí, Bitcoin dường như là giải pháp thanh toán hoàn hảo trong kỷ nguyên Internet, tuy nhiên vì đây là đồng tiền không bị kiểm soát, giới tội phạm có trong tay một công cụ giao dịch không thể tốt hơn.
Vi sao hacker phat tan WannaCry muon nhan tien chuoc bang Bitcoin?
 
Mọi giao dịch trong hệ thống Bitcoin đều đi qua và được ghi chép lại trong những cuốn sổ cái (blockchain), tuy nhiên tất cả đều là những địa chỉ nặc danh. Không thể truy xuất ai đã chuyển Bitcoin cho ai, ai đã mua gì bằng Bitcoin, tất cả chỉ là những dòng lưu trữ mơ hồ.
Toàn bộ các giao dịch được gán với các địa chỉ Bitcoin, tuy nhiên địa chỉ này lại không gán với một cá nhân hay tổ chức xác định nào. Để tăng tính ẩn danh, mỗi lần giao dịch, bạn có thể sử dụng một địa chỉ Bitcoin để gửi và nhận tiền, không ai có thể biết bạn là ai.
Thay vì yêu cầu nạn nhân gửi tiền chuộc bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng vừa rắc rối, vừa dễ lộ danh tính, Bitcoin trở thành kênh giao dịch được hacker tạo ra Wannacry lựa chọn.
Dù nạn nhân phải bỏ thời gian để tìm hiểu cách tạo ví Bitcoin, mua Bitcoin để chuyển cho hacker, đồng tiền ảo này vẫn là cách an toàn nhất để tác giả của WannaCry nhận tiền chuộc.
Theo một chuyên gia an ninh mạng Việt Nam, hình thức tống tiền bằng Bitcoin trên mạng đang dần trở nên phổ biến, tuy nhiên trên phạm vi toàn cầu với số lượng máy tính bị tấn công lớn như WannaCry thì chưa nhiều.
Theo chuyên gia "thay vì phải nhận tiền thật rồi chuyển qua chuyển lại giữa các tài khoản con để tránh bị truy vết, nhận tiền bằng Bitcoin vừa an toàn vừa tiện lợi hơn, tuy nhiên nhiều khả năng tại Việt Nam, vốn còn xa lại với loại hình thanh toán này, WannaCry sẽ gặp khó trong khâu thu tiền".
Theo Ngô Minh/Zing.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)