Top 5 đồng tiền ảo lớn nhất thế giới hiện nay

Google News

Không chỉ có Bitcoin, giá của những đồng tiền ảo khác như Litecoin và Ethereum cũng đang tăng với tốc độ chóng mặt.

Theo hãng tin CNBC, hiện nay đang có khoảng 1.300 đồng tiền ảo cùng tồn tại. Trong số này, Bitcoin giữ vai trò thống trị thị trường, nhưng nhiều đồng tiền ảo khác cũng tạo sóng lớn.
Dưới đây là 5 đồng tiền ảo lớn nhất tính đến ngày 14/12 được CNBC điểm qua:
Bitcoin
Vốn hóa thị trường: 275,1 tỷ USD
Mức tăng giá từ đầu năm: 1.590,5%
 
Ra đời vào năm 2009, Bitcoin là đồng tiền ảo lớn nhất thế giới hiện nay về giá trị vốn hóa. Một sách trắng được công bố bởi Satoshi Nakamoto - "cha đẻ" bí ẩn của Bitcoin - đã nói về mục đích của dự án tiền ảo này. Tài liệu nói rằng Bitcoin là một "phiên bản ngang hàng (peer-to-peer) của tiền điện tử, cho phép các thanh toán trực tuyến được gửi trực tiếp từ bên này tới bên khác mà không cần thông qua một định chế tài chính nào".
Bitcoin được hậu thuẫn bởi một công nghệ có tên là blockchain - về bản chất là một sổ cái (ledger) kỹ thuật số ghi các hoạt động không thể có sự can thiệp, chỉnh sửa. Bitcoin phi tập trung vì không có một quyền lực trung ương nào kiểm soát nó. Thay vào đó, một hệ thống những "thợ đào" (miner) sử dụng máy tính với năng lực xử lý cao cùng nhau làm việc để xác minh các giao dịch thông qua các mật mã phức tạp.
Tuy nhiên, do cơn sốt Bitcoin tăng nhiệt cao, thời gian thực hiện các giao dịch Bitcoin tăng lên, và điều này có thể đi ngược lại mục tiêu ban đầu của đồng tiền ảo. Trong khi Nakamoto coi Bitcoin là tiền điện tử, nhiều chuyên gia đã gọi Bitcoin là "vàng kỹ thuật số" và nói rằng đồng tiền ảo này có thể là một kênh lưu trữ giá trị trong dài hạn.
Ở thời điểm hiện tại, một số nhà bán lẻ ở Nhật Bản đã chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin, và thậm chí đã có một số công ty bất động sản nhận tiền mua nhà bằng Bitcoin. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy Bitcoin được sử dụng rộng rãi với tư cách phương tiện thanh toán.
Ethereum
Vốn hóa thị trường: 71,1 tỷ USD
Mức tăng giá từ đầu năm: 8.812,6%
 
Ethereum là tên của một công ty công nghệ blockchain tạo ra đồng tiền kỹ thuật số Ether. Tuy nhiên, hai cái tên Ethereum và Ether hiện đang cùng được sử dụng để chỉ đồng tiền ảo này.
Tương tự như Bitcoin, Ethereum được hậu thuẫn bởi công nghệ blockchain, nhưng công nghệ của Ethereum có khác đôi chút và đồng tiền ảo này nhằm sử dụng cho trường hợp cụ thể là các hợp đồng thông minh.
Thỏa thuận tài chính thương mại là một ví dụ. Trong những thỏa thuận thuộc loại này, mỗi bên nắm một bản cứng hoặc bản mềm của hợp đồng và cần phải tự mình cập nhật thông tin trên đó. Cách làm này khá phức tạp và thường xảy ra lỗi.
Trong khi đó, hợp đồng thông minh là dạng hợp đồng được viết bằng mã vào một blockchain. Một khi các điều khoản hợp đồng được một bên đáp ứng, thỏa thuận sẽ được thực thi.
Nhiều tổ chức lớn hiện đang thử nghiệm công nghệ blockchain của Ethereum. Một tổ chức có tên Enterprise Ethereum Alliance, bao gồm các công ty như Microsoft và JPMorgan Chase, đang phát triển các tính năng của công nghệ blockchain Ethereum.
Đồng tiền kỹ thuật số Ethereum được tìm kiếm bởi các nhà phát triển ứng dụng muốn làm ứng dụng trên blockchain Ethereum và những người sử dụng muốn truy cập để tương tác với các hợp đồng thông minh trên nền tảng này.
Bitcoin Cash
Vốn hóa thị trường: 33 tỷ USD
Mức tăng kể từ khi ra đời vào tháng 7/2017: 229,6%
Bitcoin Cash ra đời vào tháng 7 năm nay sau khi Bitcoin trải qua một cuộc chia tách. Những người sở hữu Bitcoin vào thời điểm đó được Bitcoin Cash miễn phí. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá của Bitcoin Cash không mạnh như các đồng tiền kỹ thuật số khác.
Nhiều nhà phát triển Bitcoin lo ngại về thời gian thực hiện giao dịch trong mạng lưới Bitcoin. Bởi vậy, họ đã đề ra một giải pháp nhằm tăng quy mô của mỗi giao dịch, theo đó đẩy nhanh tốc độ giao dịch. Tuy nhiên, không phải ai trong cộng đồng Bitcoin cũng đồng tình với đề xuất này, dẫn tới việc Bitcoin bị chia tách.
Nhóm nhà phát triển đứng sau Bitcoin Cash nói rằng thời gian giao dịch kể từ khi Bitcoin tách làm đôi là nhanh hơn so với khi chưa chia tách.
Ripple
Vốn hóa thị trường: 21,8 tỷ USD
Mức tăng giá từ đầu năm: 8.479,8%
Ripple được quảng bá là một giải pháp phương tiện thanh toán xuyên biên giới dành cho các định chế tài chính lớn dựa trên công nghệ blockchain.
Ở thời điểm hiện tại, mỗi một thanh toán quốc tế có thể phải mất tới vài ngày để thực hiện với chi phí rất đắt đỏ. Vấn đề gây "đau đầu" đối với các ngân hàng là các giao dịch với số lượng lớn nhưng giá trị thấp, kiểu như các khoản thanh toán của Facebook dành cho các nhà phát triển ứng dụng. Những thanh toán như vậy thường tốn kém và không mang lại lợi nhuận cho các ngân hàng, bởi mất nhiều công sức để chuyển tiền và mức phí lại không cao như đối với các giao dịch lớn.
Công ty khởi nghiệp (start-up) Ripple đang nỗ lực giải quyết vấn đề này thông qua công nghệ của mình. Công ty này đã tiến hành thử nghiệm với một số định chế tài chính, bao gồm American Express và Santander.
Đồng tiền ảo Ripple, còn được biết đến với cái tên XRP, có thể được các doanh nghiệp sử dụng để có thanh khoản nhanh cần thiết cho một giao dịch giá trị lớn mà không phải trả phí.
XRP có vai trò như một cầu nối giữa các đồng tiền giấy trong một giao dịch. Ripple nói rằng giao dịch bằng XRP có thể hoàn tất trong 4 giây đồng hồ, nhanh hơn bất kỳ đồng tiền kỹ thuật số lớn nào hiện nay.
Litecoin
Vốn hóa thị trường: 16,5 tỷ USD
Mức tăng giá từ đầu năm: 6.859,6%
Litecoin có lẽ chính là đối thủ gần nhất của Bitcoin xét về công dụng. Nhà sáng lập Litecoin là Charlie Lee đã nhiều lần nói rằng đồng tiền kỹ thuật số này có thể được sử dụng cho các thanh toán vì nó nhanh hơn Bitcoin.
Các giao dịch Litecoin chỉ mất 2 phút để hoàn thành, so với mức trung bình gần 300 phút đối với Bitcoin.
Giới hạn nguồn cung Litecoin là 84 triệu Litecoin, so với mức giới hạn 21 triệu Bitcoin. Hiện đang có gần 54,3 triệu Litecoin và hơn 16,7 triệu Bitcoin đang được lưu hành.
"Litecoin rất giống với Bitcoin ngoại trừ việc nó có số lượng nhiều gấp 4 lần Bitcoin. Ngoài ra, nó còn nhanh gấp Bitcoin 4 lần", ông Lee nói với CNBC mới đây. "Tôi cho rằng Litecoin hướng nhiều hơn đến thanh toán, giao dịch nhanh hơn, và với chi phí rẻ hơn".
Theo An Huy/VnEconomy

>> xem thêm

Bình luận(0)