Mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học California (Mỹ) đã công bố kết quả đánh giá mẫu đất và đá được các nhà du hành vũ trụ tàu Apollo 14 thu thập được trong chuyến thám hiểm Mặt Trăng hồi năm 1971.
|
Các nhà khoa học đã tiến hành xác định tuổi đời của Mặt Trăng (ảnh: AP) |
Theo các nhà khoa học, các mẫu đất đá trên Mặt Trăng cho thấy vệ tinh duy nhất của Trái Đất có tuổi đời lên đến 4,51 tỷ năm, tức 60 triệu năm sau khi Hệ Mặt Trời được hình thành. Kết quả này vượt xa so với các đánh giá trước đó của các nhóm nghiên cứu khác khi cho rằng Mặt Trăng được hình thành trong vòng 100 – 200 triệu năm sau sự ra đời của Hệ Mặt Trời.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích mẫu đồng vị urani trên khoáng vật zircon tồn tại trong mẫu đất đá trên Mặt Trăng được Apollo 14 đưa về Trái Đất hơn 35 năm về trước.
Khoáng vật zircon có kích thước rất nhỏ, chỉ tương đương một hạt cát trên Trái Đất. Tuy nhiên, nhà khoa học Melanie Barboni – người đứng đầu công trình nghiên cứu của Đại học California lại cho rằng: “Kích cỡ không là vấn đề, chúng ghi lại những thông tin rất thú vị.”
Cũng theo bà Barbini, Mặt Trăng được hình thành từ những mảnh vỡ tạo ra khi thiên thạch va mạnh vào Trái Đất. Quá trình này được cho là diễn ra vào khoảng 4,51 tỷ năm về trước.
Bên cạnh đó, bà Barbini cho biết, nhóm nghiên cứu đang tiến hành phân tích thêm nhiều mẫu zircon khác được Apollo 14 thu thập. Mặc dù vậy, bà cùng các cộng sự vẫn khẳng định rằng kết quả phân tích những mẫu khoáng vật đó chắc chắn sẽ ủng hộ giả thuyết về tuổi đời của Mặt Trăng mà họ đã đưa ra trước đó.
Công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học California đã được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances hôm 11/1 vừa qua.