Trong quá khứ, từng có thời điểm Xiaomi đã tạo ra được những chiếc smartphone bán chạy nhất tại Trung Quốc. Trong năm 2014 và 2015, thương hiệu này giành được mọi sự chú ý và dễ dàng thuyết phục mọi người mở hầu bao để mua sản phẩm của mình. Nhưng giờ đây mọi thứ đã khác.
Nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi có trụ sở tại Bắc Kinh này đang chứng kiến sự sụt giảm doanh số lên tới 38% ở thị trường nội địa, so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ công ty phân tích thị trường Counterpoint.
Xiaomi hiện đứng ở vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng các thương hiệu điện thoại ở Trung Quốc và ngay bên dưới là một loạt các thương hiệu smartphone nhỏ khác đang ngấp nghé chen chân vượt lên. Vì vậy, hướng đi mới của công ty là tìm kiếm sự tăng trưởng ở nước ngoài. Ở hiện tại, đây chính xác là nơi mà đối thủ cạnh tranh lớn nhất của họ, Huawei, đang rơi vào thời kỳ khó khăn vì những hạn chế thương mại từ Mỹ.
|
Xiaomi không ngại đưa ra các thử nghiệm mới trên sản phẩm của mình, Hồi tháng 9, công ty ra mắt smartphoen Mi MIX Alpha với màn hình bao quanh cả trước lẫn sau. |
Thời kỳ đầu, hãng điện tử Xiaomi đã xây dựng thương hiệu của mình tại Trung Quốc bằng cách đưa ra thị trường các mẫu sản phẩm có cấu hình tốt với giá rẻ. Nhưng chiến thuật này rất nhanh chóng bị các công ty khác sao chép. Các thương hiệu như Oppo và Vivo, cùng với Honor - thương hiệu phụ của Huawei - đã nhanh chóng lấp đầy thị trường với các mẫu smartphone cấp thấp và tầm trung, với thiết kế vô cùng độc đáo và táo bạo để cạnh tranh.
Xiaomi cũng làm theo chiến thuật của Huawei bằng cách tạo ra một thương hiệu con giá rẻ của riêng mình, có tên Redmi. Thương hiệu phụ này cũng đã cố gắng bon chen, nhưng dường như mọi thứ vẫn không được suôn sẻ như ý muốn.
Theo các nhà phân tích của Counterpoint, Huawei và Apple đã có một dấu ấn và sự gắn bó mạnh mẽ với người dùng trên thị trường điện thoại cao cấp ở Trung Quốc. Không dễ để Xiaomi giành được thị phần từ hai đối thủ này.
Và trong khi thị phần của Xiaomi tại quê nhà ngày càng bị thu hẹp, Huawei lại càng bành trướng, nhanh chóng leo lên chiếm tới 42% thị phần. Điều này xảy ra khi người tiêu dùng tại Trung Quốc càng chung sức đứng xung quanh ủng hộ Huawei khi gã khổng lồ này bị Mỹ đưa vào danh sách thực thể bị hạn chế mua công nghệ. Lòng yêu nước và chiến lược tiếp thị, truyền thông hợp lý của Huawei đã giúp công ty gần như độc chiếm thị trường nội địa.
Nhưng lệnh cấm với Huawei đang biến thành cơ hội cho Xiaomi. Người tiêu dùng quốc tế vẫn hi vọng sở hữu một chiếc điện thoại Android giá rẻ, đi kèm với Google Play, Google Maps và YouTube.
Tất nhiên, đây cũng là cơ hội chung cho các thương hiệu điện thoại Android khác, không chỉ riêng Xiaomi. Nhưng công ty này đã rất nhanh chóng thích ứng và nhạy bén nắm bắt mọi cơ hội. Tháng trước, Xiaomi đã có màn ra mắt sản phẩm đầu tiên tại Berlin, Đức với chiếc Redmi Note 8 Pro. Đức là một trong những thị trường di động lớn nhất ở Tây Âu.
|
Xiaomi đã trở nên phổ biến ở Đông Âu nhờ chiến lược cấu hình cao giá thấp. Redmi 8 Pro là điện thoại thông minh đầu tiên của Xiaomi ra mắt tại Đức. |
Trước đó, Xiaomi đã xâm nhập vào các quốc gia khác ở châu Âu, thông qua việc hợp tác với các hãng viễn thông nổi tiếng. Công ty này cũng tự hào nói rằng mình đang là thương hiệu điện thoại phổ biến thứ 4 ở Tây Âu.
Cũng trong tháng trước, Xiaomi đã mở một trung tâm nghiên cứu và phát triển về công nghệ máy ảnh tại Phần Lan. Đây là nơi công ty sẽ tập trung để cải thiện máy ảnh trên các mẫu điện thoại thông minh của mình. Mi CC9 Pro mới ra mắt hôm qua của Xiaomi đã sử dụng cảm biến 108MP, kết quả hợp tác cùng với Samsung.
Chưa hết, Xiaomi cũng nhìn thấy cơ hội ở các thị trường khác trên toàn cầu. Nó đang là thương hiệu smartphone hàng đầu ở Ấn Độ. Mảng kinh doanh điện thoại của công ty cũng đang lan sang Nga và Châu Phi, sắp tới là Nhật Bản.
Còn tại thị trường nội địa, thời gian gần đây tình hình kinh doanh của Xiaomi đã có một số khởi sắc. Dòng Redmi K20 đã bán được 4 triệu chiếc trong 4 tháng, một kết quả đáng để tự hào. Trong năm 2020, công ty dự định tung ra hơn 10 mẫu điện thoại 5G.
Nhưng, vẫn còn đó một thách thức lớn đối với công ty Trung Quốc này. Việc đẩy mô hình kinh doanh ra nước ngoài sẽ khiến công ty gặp khó khăn trong việc thuyết phục người dùng về vấn đề bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư. Bởi nên nhớ rằng, đây chính là vết xe đổ đã khiến Huawei điêu đứng.