Vertu được sáng lập năm 1998 và đến năm 1999 thì bắt đầu ra lò những sản phẩm đầu tiên. Tính cho đến khi nó phá sản và nhà máy tại Anh ngừng sản xuất, thương hiệu này bán được khoảng 500.000 chiếc. Không cần tính doanh số (thừa biết là sẽ không nhiều so với các hãng điện thoại phổ cập đại chúng), mà chỉ cần tính số người dùng, 500.000/hơn 7.000.000.000 dân trên trái đất này, thì chỉ có 0,007% dân số trên thế giới sở hữu và sử dụng Vertu. Đúng thôi, vì Vertu là điện thoại xa xỉ - một chiếc Vertu như Ti nạm đá quý có giá từ hơn 200 triệu đồng đến 400 triệu đồng - vì Vertu là điện thoại cho giới giàu sang, thậm chí cho cả những kẻ thích chơi trội.
Thuở ban đầu Vertu gắn với sự sở hữu của Nokia là hãng điện thoại số 1 thế giới từ năm 1998. Năm 2012 khi Nokia trên đường suy sụp đã bán lại Vertu cho một công ty tư nhân có tên EQT. EQT sau đó bán Vertu lại cho Goldin Holdings của Trung Quốc vào năm 2015. Và vào tháng 3/2017, công ty Trung Quốc này bán lại Vertu cho tập đoàn gia đình người Thổ do Murat Hakan Uzan đứng đầu. Cứ sau mỗi lần chuyển nhượng, giá bán của Vertu càng sụt giảm thê thảm. Thời nay trên thị trường mua bán và sáp nhập (M&A), thứ mà các đại gia Trung Quốc lắm tiền nhiều bạc đã buông bỏ, thì e rằng khó có doanh nghiệp nào của các quốc gia khác có thể kham nổi. Vì thế, số phận điện thoại hạng sang Vertu kết thúc trong tay công ty của Murat Hakan Uzan cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Khi Vertu phá sản và ngừng sản xuất, cũng đồng thời là hồi chuông điểm kết thúc thời đại của điện thoại xa xỉ. Song cái chết của Vertu còn nằm trong một xu thế điện thoại tính năng cơ bản (feature phone) đang dần bị thay thế, mà Vertu "bất hạnh" vì nằm trong phân khúc xa xỉ nên bị "ra đi" trước. Bởi dù có nhằm khẳng định sự sang trọng, đẳng cấp hay hình ảnh thành đạt gì gì…, thì ngày nay việc sử dụng điện thoại di động đang được đề cao ở các tính năng, tiện ích và sự kết nối với vạn vật qua internet. Và khi đó smartphone mới là tâm điểm, là thiết bị bên mình của người dùng mọi lúc mọi nơi chứ không phải chiếc Vertu sang chảnh mạ vàng nạm kim cương thỉnh thoảng lấy ra nghe gọi hoặc nhắn tin tiện thể "dợt le" với thiên hạ xung quanh.
Gì thì gì, sự thiết thực và thực dụng luôn được quan tâm. Một Vertu xa xỉ bao nhiêu năm không có sự thay đổi hay nâng cấp gì đáng kể ngoài những yếu tố về nguyên liệu như mạ vàng, nạm kim cương hay ốp lưng da cá sấu… Một Vertu xa xỉ về bản chất là một featurephone trong khi nhu cầu smartphone bên mình – như đã đề cập – mới thiết yếu hơn. Tôi đã chứng kiến một số trường hợp là đại gia, doanh nhân, hoặc người dùng Vertu theo kiểu sang chảnh, sau một, hai phiên bản rồi cũng chuyển sang sử dụng iPhone hoặc dòng Galaxy Note, Galaxy S cao cấp của Samsung.
|
Vertu chạy hệ điều hành Android. |
Đến năm 2013, Vertu cũng bắt đầu sản xuất smartphone chạy hệ điều hành Android. Tuy nhiên, công ty Anh quốc này với nhóm các công nhân có kỹ năng chuyên lắp ráp điện thoại Vertu sử dụng các vật liệu như da đà điểu, kim loại quý, đá quý đã không thích ứng được với sự thay đổi của công nghệ và cạnh tranh. Nhiều công ty sản xuất smartphone cho phép khách hàng tuỳ biến sản phẩm của mình trở thành phiên bản hạng sang, số lượng hạn chế, tính năng vượt trội, trong khi điện thoại Vertu trở nên lạc hậu (chạy hệ điều hành Android cũ, bộ xử lý lạc hậu, phần mềm thỉnh thoảng gặp lỗi) mà giá lại siêu đắt, có chiếc lên đến hơn 30.000 USD (gần 700 triệu đồng).
200 người thợ lão luyện của Vertu mất việc ư? Có làm các bạn bận tâm? Với tôi đó là chuyện nhỏ, thậm chí không đáng bận tâm. Điều tôi bận tâm là nếu nhà máy Samsung Thái Nguyên, Bắc Ninh, TPHCM giảm sản lượng trầm trọng sẽ dẫn đến hàng ngàn, hàng chục ngàn người lao động mất việc kia. Điều tôi bận tâm là khi thị phần của iPhone sa sút và các nhà máy gia công cho họ phải cắt giảm mạnh nhân sự, thì có đến hàng chục ngàn lao động tại Việt Nam, Trung Quốc… mất đi nguồn sống kia. Vâng, sao tôi lại thừa nước mắt khóc thương cho kẻ giàu Vertu khi cái thương hiệu đó chẳng dính dáng gì đến cuộc sống của tôi, công việc của tôi cũng như hàng triệu, hàng chục triệu, thậm chí hàng tỉ người trên thế giới này.
Ấy là chưa kể đến thông tin, theo trang Android Authority, Vertu "chết" một phần vì còn do dính dáng đến tập đoàn "gia đình" Uzan do Murat Hakan Uzan đứng đầu, đã dính rắc rối pháp lí tại Thổ Nhĩ Kỳ vì kinh doanh trái phép khiến chính quyền Thổ đã tịch thu đến hơn 200 công ty thuộc tập đoàn này buộc ông chủ Hakan Uzan phải tị nạn sang Pháp.
Hakan Uzan được cho rằng tiếp tục nắm giữ thương hiệu, công nghệ và các giấy phép thiết kế của Vertu nhưng trong tương lai ông chủ người Thổ này có khôi phục, hồi sinh được Vertu hay không tưởng cũng chẳng còn quan trọng nữa. Bởi suy cho cùng, điện thoại Vertu cũng chỉ là một kiểu chơi của dân có hầu bao rủng rỉnh chứ không phải nỗi hoài mong của đại chúng.
Vertu có được khôi phục hay hồi sinh hay không cũng chỉ là một câu hỏi nhiều lúc được nêu ra vu vơ. Mà có lẽ, chúng ta nên dành nhiều sự quan tâm, chú ý đến sự trở lại của Nokia. Một Nokia không còn Vertu. Một Nokia không còn dính dáng đến Symbian và cả Windows Phone nữa. Một Nokia là bài học kinh nghiệm đắt giá cho Vertu nếu thương hiệu điện thoại xa xỉ này muốn quay trở lại thị trường. Không thể tiếp tục ôm khư khư một cách làm cũ đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ đang đổi thay hàng ngày hàng giờ một cách nhanh chóng. Thế thì có thể hi vọng chăng, một Vertu trở lại trong tương lai hoàn toàn là những phiên bản smartphone sang trọng mạ vàng nạm kim cương với những tính năng thực sự cao cấp và khác biệt chứ không chỉ còn là những… "cục gạch".