Tin tức này gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Một số chuyên gia trong ngành công nghệ dường như đồng tình với quyết định của Samsung, bởi nó đồng nghĩa Samsung sẽ phải dùng đến chip Snapdragon của Qualcomm cho các mẫu điện thoại flagship trong tương lai. Tất nhiên, đây không phải là điều buộc phải xảy ra, bởi Samsung đã từng sản xuất ra những chipset Exynos cao cấp mà chẳng cần đến những CPU tùy biến của mình.
Nhưng nếu bạn cho rằng Samsung từ bỏ Exynos là điều đúng đắn, thì hãy nhớ rằng cách đây chưa lâu, công ty Hàn Quốc từng nắm trong tay chipset mạnh mẽ bậc nhất trong thế giới smartphone Android. Chúng ta đang nói đến con chip Exynos 7420 vào năm 2015, được trang bị cho series Galaxy S6 và Note 5.
Đó cũng là năm Samsung quyết định ngó lơ chipset của Qualcomm cho các điện thoại flagship của hãng và chỉ dùng chipset Exynos mà thôi - một nước đi khá thú vị khi mà hai thế hệ Galaxy S4 và S5 trước đó đều sử dụng những chipset của Qualcomm.
|
LG G Flex 2 là một trong nhiều chiếc điện thoại ra mắt năm 2015 sử dụng vi xử lý Snapdragon 810 |
Lý do chính khiến Samsung dùng chip Exynos vào thời điểm đó được cho là bởi hiệu năng của Snapdragon 810, con chip 64-bit được Qualcomm vội vàng tung ra thị trường để đáp trả chipset Apple A7.
Exynos 7420 đã hạ bệ Snapdragon 810 để chiếm lấy vị trí cao nhất trên thị trường vi xử lý Android năm 2015 - một thành quả không hề tầm thường khi mà cả hai con chip này đều sử dụng các bố trí CPU 8 nhân như nhau (4 nhân Cortex-A57 và 4 nhân Cortex-A53), và ai cũng biết Qualcomm nổi tiếng vì hiệu năng GPU dẫn đầu thị trường.
Ấy thế nhưng, nhiều bài test được tiến hành bởi trang Ars Technica lúc đó cho thấy phiên bản đầu tiên của Snapdragon 810 bị hạ xung vì quá nhiệt nặng hơn nhiều so với các con chip đối thủ (bao gồm Exynos 7420). Qualcomm sau đó đã tung ra một phiên bản tinh chỉnh của 810, xuất hiện trên các mẫu máy như Mi Note Pro và Nexus 6P, nhưng đã quá muộn vì 810 đã "lưu danh sử sách" như một sản phẩm thất bại.
Samsung, trong lúc đó, kết thúc năm 2015 với kết quả kinh doanh khả quan, một phần nhờ sự thành công của Exynos 7420. Công ty này đã đưa ra được câu trả lời hoàn hảo cho chipset 64-bit đầu tiên của ngành công nghiệp và không làm rối tung mọi thứ lên như Qualcomm.
Vụ việc còn cho thấy sự lệ thuộc nặng vào Qualcomm của phần còn lại của ngành công nghiệp smartphone cao cấp (ngoại trừ Huawei), và tại sao có nhiều vi xử lý để lựa chọn vẫn là một điều tốt, kể cả ở thời điểm hiện tại.
Bốn năm sau, có lẽ chúng ta đã quên mất Snapdragon 810 và Exynos 7420, nhưng sự cố đó là động lực thúc đẩy Qualcomm trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Samsung cũng vậy. Có thể họ không còn sản xuất CPU tùy biến nữa, nhưng công nghệ thì vẫn còn đó.
Rất nhiều hãng, từ Qualcomm, HiSilicon, đến MediaTek đều sử dụng các thiết kế CPU của ARM trong vài năm trở lại đây, tuy nhiên việc họ làm là tinh chỉnh các thiết kế đó thay vì tự tay thiết kế nên một CPU tùy biến hoàn chỉnh. Thay vào đó, những công ty chip này tập trung nguồn lực vào các tác vụ điện toán đa dạng, như AI, đồ họa, và xử lý hình ảnh. Samsung có thể không còn CPU tùy biến nữa, nhưng cuộc chơi đã thay đổi, và chiến lược tái phân bổ tài nguyên trước đó dùng để phát triển CPU tùy biến, đồng thời hợp tác với AMD để đưa GPU di động của hãng này lên các flagship Galaxy, đã mở ra một tương lai tươi sáng cho dòng sản phẩm này.