Theo chuyên san khoa học PHYS, từ lâu các quan sát của NASA đã cho thấy mặt trăng TItan của sao Thổ có cảnh quan rất giống Trái Đất: sông ngòi quanh co, núi đồi chập chùng, biển cả được lấp đầy bởi mưa rơi qua bầu khí quyển dày đặc. Nhưng nước ở thế giới ngoài hành tinh này không phải là nước, mà là các dòng mê-tan lỏng.
Câu hỏi lớn được đặt ra là làm cách nào mê-tan "điêu khắc" được cảnh quan đặc biệt đó. Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi phó giáo sư Mathieu Lapôtre từ Trường Khoa học Trái đất, năng lượng và môi trường thuộc Trường ĐH Stanford (Mỹ) đã tạo ra một mô hình hình thành cảnh quan để giải thích bí ẩn của Titan.
Nghiên cứu mới đã chứng minh các hình ảnh gây kinh ngạc từ tàu Cassini của NASA thực sự là một thế giới ngoài hành tinh tương tự những gì chúng ta đang nhìn thấy trên địa cầu - Ảnh: NASA
Theo bài công bố trên Geophysical Research Letters, các thành phần khác của Titan có tính chất cơ học khác biệt rất lớn so với các chất dựa trên silicat tạo nên các thiên thể trầm tích khác trong hệ Mặt Trời - bao gồm Trái Đất.
Tuy nhiên mô hình mới đã chỉ ra một quy trình cho phép các chất gốc hydrocarbon hình thành một dạng hạt y hệt hạt cát hay các hạt nền tảng khác của đất đai Trái Đất, di chuyển nhờ vào gió và dòng chảy để tạo thành cảnh quan.
Khác với Trái Đất, sao Hỏa và sao Kim, trầm tích của Titan không được tạo thành từ vật liệu silicat mà bằng các hợp chất hữu cơ rắn, đủ nặng và bền vững để di chuyển qua cảnh quan mà không bị mài mòn quá nhiều, không bị tan rã thành bụi.
Chúng mang tính chất tương tự các hạt ooids trên Trái Đất, là những hạt nhỏ, hình cầu hay xuất hiện ở các vùng biển nhiệt đới nông, ví dụ xung quanh Bahamas.
Ooids hình thành khi canxi carbonat bị kéo ra khỏi cột nước và gắn thành từng lớp xung quanh hạt. Sự hình thành dựa trên kết tủa hóa học cho phép chúng phát triển lớn hơn, ngược lại sự xói mòn làm chúng mòn đi, nhỏ lại. Nhưng hai quá trình này vẫn đủ cân bằng để hạt giữ được kích thước vừa phải.
Với giả thuyết về sự hình thành trầm tích này, các nhà khoa học đã đối chiếu với dữ liệu hiện có từ NASA về khí hậu Titan và hướng vận chuyển trầm tích, được tiết lộ qua hình ảnh của các cồn cát gần xích đạo, đồng bằng ở các vĩ độ giữa và địa hình mê cung từ các cực. Tất cả đều khớp nhau hoàn hảo.
Chu kỳ trầm tích của Titan được đánh giá là giống với Trái Đất hiện đại và cũng từng xảy ra trên sao Hỏa cổ đại.
Thế giới ngoài hành tinh này từng được NASA cho là một phiên bản gần như hoàn hảo của Trái Đất. Có vẻ "nước" mê-tan không phù hợp lắm với sự sống hiện tại nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chính Trái Đất sơ khai cũng có thành phần tương tự và chính sự sống - các vi sinh vật thời kỳ đầu - đã sống nhờ vào các thành phần quái dị đó và dần tạo lập nên môi trường sống ngày nay.