Theo Sci-News, quái vật Fona herzogae thực ra là một loài khủng long thescelosaurine, nhưng có vẻ ngoài quái dị hơn nhiều so với các loài cùng nhóm.
Trong hình ảnh được các nhà khoa học mô tả lạ, hai con quái vật - một con non và một con trưởng thành - hiện lên với thân hình lực lưỡng giống T-rex, đầu giống chim, cặp chân giống đà điểu nhưng to khỏe hơn nhiều.
Các nhà cổ sinh vật học từ Đại học bang North Carolina và Bảo tàng Khoa học Tự nhiên North Carolina (Mỹ) đã khai quật được hóa thạch đầu tiên của loài quái vật này từ năm 2013 tại một khu vực thuộc hệ tầng núi Cedar ở bang Utah từ năm 2013.
Một số hóa thạch khác cũng đã được tìm thấy trong khu vực những năm tiếp theo.
Nó có chung một số đặc điểm giải phẫu với các loài động vật được biết đến với khả năng đào bới hoặc đào hang: Cơ bắp tay lớn, các điểm bám cơ mạnh ở hông và chân, xương hợp nhất dọc theo xương chậu có thể giúp ổn định khi đào và chi sau lớn hơn chi trước theo tỉ lệ.
Nhưng đó không phải là bằng chứng duy nhất cho thấy loài động vật này đã dành thời gian dưới lòng đất.
Tình trạng bảo quản tốt của các bộ hài cốt hóa thạch là một bằng chứng vững chắc khác: Chúng thường được tìm thấy còn nguyên vẹn với nhiều xương được bảo quản ở tư thế chết ban đầu, ngực hướng xuống, chân trước dang rộng.
Điều này cho thấy chúng có thể đã ở trong hang dưới lòng đất trước khi chết, do đó vô tình đã được bảo quản trong một "mộ phần" an toàn qua gần 100 triệu năm.
Mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được hang ngầm của Fona herzogae, nhưng hang của họ hàng gần nhất là loài khủng long Oryctodromeus đã được tìm thấy ở các bang Idaho và Montana.
Điều đó giúp các nhà khoa học tin tưởng về cách loài quái vật mới này sinh tồn ở Utah, nơi mà vào kỷ Phấn Trắng hãy còn là một đồng bằng ngập lụt, "kẹp" giữa một vùng biển nội địa và một hệ thống núi lửa.