|
Laika bên trong “buồng con nhộng”. Ảnh: Sputnik |
Tuy nhiên, kết cục của Laika vẫn khiến người ta cảm thấy có đôi chút buồn rầu.
“Tôi đã xin nó tha thứ và tôi thậm chí còn khóc khi vuốt ve nó lần cuối”, nhà sinh vật học người Nga Adilya Kotovskaya, 90 tuổi, nhớ lại cái ngày bà phải chia tay Laika. Chú chó hoang Laika đã làm nên lịch sử khi là loài động vật đầu tiên bay vào quỹ đạo Trái Đất trong một sứ mệnh hy sinh phục vụ cho công cuộc nghiên cứu khoa học vũ trụ, theo AFP.
Ngày 3/11/1957, Laika bay vào không gian trên vệ tinh Sputnik 2 do Liên Xô phóng. Thế nhưng, mọi chuyện đã không diễn ra như kế hoạch mà người Liên Xô mong chờ và Laika chỉ có thể sống sót trong khoảng vài tiếng, bay vòng quanh Trái Đất 9 lần.
“9 lần bay quanh Trái Đất ấy đã biến Laika trở thành "phi hành gia" đầu tiên trên thế giới, cống hiến cuộc sống cho thành công của các sứ mệnh không gian tương lai”, bà Kotovskaya chia sẻ. Người phụ nữ này vẫn giữ niềm tự hào vì công việc tiên phong của mình với tư cách nhà khoa học giúp huấn luyện Laika cũng như các loài động vật khác thực hiện những nhiệm vụ không gian. Còn đối với lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev lúc bấy giờ, hành trình của Laika mang đến cho ông một chiến thắng vang dội khác trong cuộc đua nghiên cứu vũ trụ với người Mỹ. Song để có được kết quả ấy không phải điều dễ dàng.
Các nhà tuyển chọn Liên Xô bắt đầu nhiệm vụ bằng cách lựa ra các ứng viên đủ tiêu chuẩn từ hàng loạt đàn chó hoang nhưng là giống cái, bởi chúng có kích thước nhỏ hơn và dường như thuần tính, không hiếu động bằng giống đực. Những bài kiểm tra đầu tiên được thực hiện nhằm xác định khả năng tuân thủ mệnh lệnh và tính thụ động ở từng cá thể. Việc phải ngồi im trong không gian chật hẹp yêu cầu chúng phải “thụ động”.
Cuối cùng, các ứng viên còn sót lại thông qua những vòng tuyển lựa sẽ phải sống trong những chiếc hộp hình con nhộng chật cứng qua vài ngày hoặc đến vài tuần để thử sức chịu đựng. Các bác sĩ cũng cần kiểm tra phản ứng của chúng trước sự thay đổi áp suất không khí và tiếng ồn.
Ban đầu, Laika có tên khác là Kudryavka. Tuy nhiên, trong một lần được giới thiệu trước công chúng qua sóng radio, Kudryavka đã cất tiếng sủa lớn và cái tên Laika (trong tiếng Nga nghĩa là “chó sủa”) cũng xuất hiện từ đây.
|
Laika được nhớ tới với tư cách sinh vật sống đầu tiên trên Trái Đất bay vào không gian. Ảnh: Sputnik |
Các nhà khoa học Liên Xô biết Laika sẽ không thể quay về và chọn Laika cho nhiệm vụ hy sinh song không phải họ không có tình cảm với nó. Một trong những người trông coi Laika, ông Vladimir Yazdovsky, đã mang cô chó 3 tuổi về nhà không lâu trước khi chuyến bay khởi hành vì “muốn làm điều gì đó cho nó”, ông Yazdovsky sau này kể lại.
Ba ngày trước thời điểm phóng tên lửa, Laika được đưa vào một không gian chật hẹp chỉ đủ di chuyển vài cm. Được tắm rửa sạch sẽ, gắn các thiết bị cảm ứng để theo dõi thông số cơ thể và lắp thiết bị hỗ trợ việc đi vệ sinh, Laika khoác lên mình bộ quần áo du hành với khóa an toàn bằng kim loại. Đúng 5h30 ngày 3/11, tên lửa mang vệ tinh và Laika được phóng đi.
Theo các báo cáo, tiếng ồn quá lớn và áp lực ban đầu khiến Laika sợ hãi. Nhịp tim của nó tăng gấp ba lần bình thường và nhịp thở tăng gấp 4. Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Nga hiện vẫn lưu giữ các bản in được giải mật thể hiện hơi thở của Laika suốt chuyến bay. Laika đi vào quỹ đạo an toàn và bay vòng quanh Trái Đất trong 103 phút. Tuy nhiên, việc tấm cản nhiệt bị mất đã khiến nhiệt độ bên trong buồng con nhộng tăng nhanh đột ngột, làm cho Laika không thể chịu nổi. Laika chết “không lâu sau khi phóng vệ tinh”, bác sĩ người Nga kiêm nhà huấn luyện chó Oleg Gazenko hồi năm 1993 tiết lộ.
Trong và sau chuyến bay, Liên Xô lúc bấy giờ vẽ ra một câu chuyện viễn tưởng rằng Laika đã sống thêm vài ngày trong hành trình ngoài không gian. Các hãng truyền thông Liên Xô khẳng định Laika sống sót đến tận ngày 12/11. Báo New York Times thậm chí đưa tin Laika có thể đã được cứu sống. Song sau cùng, mọi chuyện cũng được làm sáng tỏ.
“Tất nhiên, chúng tôi biết Laika sẽ chết trên chuyến bay bởi thật sự không có cách nào đưa nó trở lại. Điều này là bất khả thi ở thời điểm đó”, bà Kotovskaya cho hay. Đêm trước ngày Laika thực hiện sứ mệnh, bà còn đến để chào từ biệt và chăm sóc, cưng nựng Laika lần cuối.
|
Laika trong một lần kiểm tra hồi năm 1957. Ảnh: RT |
Bà Kotovskaya kể lúc con tàu mới xuất phát, chú chó Laika có biểu hiện bất thường là nhịp tim tăng vọt nhưng sau ba tiếng, nhịp tim đã trở lại bình thường. “Không có gì bất ổn xảy ra”, bà cho biết. Các nhà khoa học Liên Xô tính toán rằng Laika có khả năng sống tới 10 ngày ngoài không gian, tuy nhiên, bất ngờ, ở vòng bay quanh Trái Đất thứ 9, nhiệt độ bên trong khoang con nhộng tăng cao đột biến đã cướp đi mạng sống của Laika.
Dù vậy, các kênh phát thanh Liên Xô khi ấy vẫn cập nhật hàng ngày về việc liệu Laika có ổn không, tình hình sức khỏe của nó ra sao. Thông tin chính thức mà nhà chức trách đưa ra là Laika đã chết sau khi ăn chất độc được đưa vào thức ăn nhằm tránh cho nó phải chịu một kết cục đau đớn khi vệ tinh quay trở lại bầu khí quyền Trái Đất và cháy rụi. Câu chuyện trên được Moscow truyền bá suốt nhiều năm. Vệ tinh mang theo Laika ngày 14/4/1958 rơi xuống Trái Đất và bốc cháy phía trên quần đảo Antilles thuộc vùng biển Caribe.
Hành trình bay vào vũ trụ của Laika đến giờ vẫn là câu chuyện truyền cảm hứng. Một số cuốn sách thiếu nhi đã đưa Laika vào để kể cho trẻ em nhưng sáng tác một kết cục khác vui tươi hơn. Năm 1985, Thụy Điển cho ra đời bộ phim mang tên “My Life as a Dog” khắc họa nỗi sợ hãi của một người đàn ông về việc Laika có thể bị đói trên không gian.
|
Một con tem tưởng nhớ Laika. Ảnh: Wikimedia Commons |
Nhiều nhóm nhạc trên thế giới đã sáng tác các ca khúc tưởng nhớ Laika. Một ban nhạc pop của Anh còn đặt tên nhóm là Laika và ban nhạc khác đến từ Phần Lan tự gọi mình là “Laika và những phi hành gia”. Trong sứ mệnh khám phá Sao Hỏa năm 2005, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đặt tên cho một địa điểm bên trong miệng núi lửa ở đây là “Laika”. Sau Laika, những động vật sống đầu tiên của Liên Xô bay vào không gian và trở về Trái Đất an toàn được biết đến là cặp chó Belka và Strelka trong hành trình năm 1960.