Sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm 'tạm thời' đối với Huawei, hãng này có 90 ngày để tung ra bản vá lỗi, cập nhật phần mềm cho các mẫu điện thoại hay sản phẩm đang được bán trên thị trường. Tuy nhiên, Huawei sẽ không được phát hành các thiết bị phần cứng mới. Khó khăn chưa dừng lại ở đó, mới đây ARM yêu cầu các nhân viên tạm dừng "tất cả mọi hợp đồng đang có hiệu lực, các quyền lợi hỗ trợ và bất kỳ ràng buộc nào" với Huawei.
Mặc dù không trực tiếp tham gia sản xuất, tuy nhiên vai trò của ARM bên trong mỗi con chip di động là rất quan trọng. ARM chịu trách nhiệm thiết kế nhân của chip (có tên gọi Cortex) và sau đó bán thiết kế này cho các nhà sản xuất khác, trong đó bao gồm Apple, Qualcomm, Samsung và Huawei.
Huawei vẫn cần đến ARM và bản quyền sử dụng các tập lệnh thì mới có thể thiết kế và sản xuất được chip. Chính vì vậy, việc bị ARM cắt đứt hợp tác sẽ khiến cho Huawei bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại Trung Quốc, người dân tỏ rõ quan điểm muốn bảo vệ thương hiệu của họ. Trên Weibo, mạng xã hội được ví như Twitter tại Trung Quốc, "cơn lốc" chống lại Apple đang hình thành sau khi chính phủ Mỹ áp dụng lệnh cấm đối với Huawei. "Thật có lỗi khi sử dụng iPhone, nếu có tiền tôi sẽ đổi chiếc điện thoại này lấy một chiếc Huawei", một người dùng bình luận.
Một tài khoản khác lại ca ngợi sản phẩm của công ty công nghệ Trung Quốc khi nói rằng điện thoại của Huawei có thể so sánh với iPhone, thậm chí còn tốt hơn. "Các tính năng trên smartphone Huawei hoàn toàn có thể thay thế cho iPhone, tại sao chúng ta vẫn sử dụng thiết bị của Apple", người này viết.
Song song với thái độ tẩy chay iPhone, người dùng Internet Trung Quốc thể hiện sự tự hào về Huawei. "Tôi nghĩ thương hiệu của chúng ta thật tuyệt vời, nó đã cắt quả táo thành tám mảnh", một bài đăng trên Weibo viết, mô tả logo của Huawei được ghép lại từ việc cắt nhỏ biểu tượng của Apple.
"Tôi cảm thấy tội lỗi khi quan sát diễn biến thương chiến. Khi có tiền, tôi sẽ đổi điện thoại", một cư dân mạng khác của Trung Quốc bày tỏ.
Doanh số bán hàng của Apple tại Trung Quốc cũng đã giảm 20% trong quý cuối cùng của năm 2018, trong khi đó doanh số bán smartphone của Huawei đã tăng gần 25% trong cùng thời gian này. Các chuyên gia phân tích tại công ty JP Morgan ước tính Apple cần tăng giá điện thoại iPhone thêm 14% để bù đắp cho các mức thuế quan bị tăng.
Dựa vào thực tế đó, chắc chắn sẽ có rất nhiều iPhone cũ tại Trung Quốc bị liệt vào dạng máy cũ cần thanh lý. Và nếu các bạn chưa biết, hầu hết iPhone cũ tại Việt Nam đều được gom từ Trung Quốc đưa về. Với số lượng lớn iPhone cũ từ Trung Quốc có thể giá sẽ giảm và chúng ta sẽ mua đưược iPhone với giá thấp hơn.
iPhone tại Trung Quốc và Ấn Độ cũng bị hạn chế tính năng sử dụng Facetime. Cụ thể, tại Trung Quốc, người dùng iPhone sẽ không thể liên lạc bằng Facetime Audio, trong khi đó, tại Ấn Độ, iPhone lại không hỗ trợ gọi Facetime.
Được biết, lý do là vì tỷ lệ dùng iPhone tại Trung Quốc và Ấn Độ rất cao. Các nhà mạng lớn tại hai quốc gia này lo sợ người dùng sẽ chỉ sử dụng Facetime của Apple mà không sử dụng mạng di động thông thường, do đó họ đã yêu cầu Apple bỏ chức năng này trên cả iPhone và iPad. Tuy vậy đây vẫn là iPhone quốc tế, một lựa chọn tốt hơn iPhone lock rất nhiều, vốn chưa bao giờ đem đến sự ổn định. Giá iPhone giảm là hoàn toàn có khả năng tuy nhiên vẫn phải chờ đợi động thái giữa các công ty Mỹ và Huawei mới có thể đưa ra kết luận.