Lỗ hổng trong thông tin mỹ phẩm
Khi công nghệ nano ra đời, nano vàng được sử dụng làm xúc tác cho các phản ứng hóa học (thường sử dụng vài phần trăm tẩm lên các chất mang khác nhau). Cấu trúc của nano vàng là hình cầu, có đường kính (tùy thuộc vào phương pháp tổng hợp) bằng 1/80 sợi tóc của chúng ta. Nano vàng loại hạt cỡ 90nm, độ sạch là 99,99 giá 1 gam khoảng 350USD.
Người ta sử dụng phương pháp bọc các hạt nano (nano-encapsulation) trong một hệ nhũ tương (Nanoemulsions) của một số loại hương thơm để tạo ra các sản phẩm có mùi hương như nước hoa, dệt may và phụ kiện thời trang (nhúng vào nước dệt may, giầy dép, đồ trang sức) và các vật liệu khác (đồ gốm, chậu tắm trẻ em) để hương thơm có thể tồn tại lâu hơn (như chất định hương) và chống lại các biến đổi của môi trường như áp suất hoặc nhiệt độ.
Thực chất, nano vàng hoặc nano của hỗn hợp vàng - bạch kim có tác dụng oxy hóa các chất aldedit trong hương làm cho nó thơm hơn, điều mà các enzym tự nhiên phải làm rất lâu. Ngoài ra, nó có thể hấp thụ các mùi khó chịu, chủ yếu là các aldehit để oxy hóa chúng.
Khi mang nano vàng lên colagel để làm kem dưỡng da, mặt nạ dưỡng da... người sản xuất cho rằng, các hạt nano có thể hấp thụ vào da, làm cho da săn chắc hơn. Các vấn đề này vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu để kiểm chứng độc tính của chúng.
Đối với bạc là kim loại được sử dụng từ rất xa xưa, nó có khả năng phát hiện độc, khử gió độc nên dân gian thường sử dụng. Nano bạc có tính kháng khuẩn nên được dùng để làm vật liệu lọc nước, sơn, máy lạnh... Do giá của bạc không cao và dễ tạo thành nano nên ở nước ta, nhiều nơi có thể sản xuất được keo nano bạc.
Cũng như vàng và các kim loại khác, bạc được sử dụng trong mỹ phẩm, chủ yếu để kháng khuẩn, thay thế một số chất hữu cơ khác có thể gây độc.
Trong một báo cáo của Hội đồng khoa học châu Âu (cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban châu Âu về sản phẩm tiêu dùng) cho biết, họ đã gửi thư đến 67 công ty sản xuất mỹ phẩm hàng đầu châu Âu có sử dụng vật liệu nano để yêu cầu được thông tin minh bạch các vật liệu nano, nhưng chỉ có 17 công ty trả lời và chỉ có 8 công ty mô tả một cách đầy đủ tính chất, tính năng và độc tính của vật liệu nano mà họ sử dụng.
|
Ảnh minh họa. |
Cân nhắc trước khi sử dụng
Như đã nêu ở trên, giá của nano vàng rất đắt, nên khi sử dụng, người ta chỉ cho một lượng rất nhỏ. Để kiểm tra, cần phải có thiết bị hiện đại. Trên thế giới, chỉ có một vài hãng đăng ký sản xuất mặt hàng này với giá khá cao, chỉ với hàm lượng nano vàng rất nhỏ trong mỹ phẩm nhưng có giá tới vài trăm USD/sản phẩm, do đó người tiêu dùng cần chú ý kẻo gặp phải hàng giả.
Đối với thuốc chữa bệnh, do tất cả các quốc gia đều có "cơ chế dự phòng", nên việc ra một loại thuốc mới phải qua rất nhiều khâu, rất nhiều công đoạn. Cũng là một dạng thuốc nhưng được mang nhãn hiệu "thực phẩm chức năng" thì khâu kiểm soát có phần lơi lỏng hơn. Còn đối với mỹ phẩm, hầu như chưa có tiêu chuẩn nào. Vì vậy, người tiêu dùng cần phải cân nhắc, thận trọng khi sử dụng.
Khi chưa có các nghiên cứu về ảnh hưởng của nano với cơ thể người thì khả năng phơi nhiễm là có thật và người tiêu dùng phải lưu ý. Nó có thể hấp thụ qua da, nếu da bị trầy xước thì xác suất xâm nhập của các hạt có thể tăng lên đáng kể vì lúc đó lỗ nang của tế bào da tương thích với kích thước hạt nano.
Các nghiên cứu về độc tính của kích thước nano vẫn đang được các nhà khoa học tiến hành. Tuy nhiên, thời gian tích tụ và bộc phát thường rất lâu nên có thể phải nhiều năm sau người ta mới phát hiện ra. Các mỹ phẩm có nguồn gốc tự nhiên có độc tính thấp hơn các mỹ phẩm tổng hợp, nhưng nó không "bắt mắt", "đẳng cấp" nên người tiêu dùng thường bỏ qua.