- Theo các chuyên gia, sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2 là rất đáng lo ngại. Đây là vùng có hoạt động địa chất phức tạp, vỏ Trái đất bị va chạm mạnh nên có nhiều dập vỡ. Hệ thống đứt gãy này nằm ở phương á vĩ tuyến.
|
Các chuyên gia vẫn bày tỏ quan ngại về việc rò rỉ nước tại Thủy điện Sông Tranh 2 |
Thủy điện Sông Tranh 2 làm gia tăng cường độ đứt gãy
Theo TS Vũ Văn Chinh, trưởng phòng Kiến tạo, Viện Địa chất, khu vực đặt nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 nằm trong hệ thống đứt gãy phương Á vĩ tuyến. Tiêu biểu có các đới đứt gãy sông Trà Bồng, đứt gãy Hưng Nhượng – Tà Vi… Hơn nữa, trong lịch sử kiến tạo địa chất thì vỏ Trái đất khu vực này bị va chạm rất mạnh dẫn đến những dập vỡ thuộc hệ thống đứt gãy phương Á vĩ tuyến.
Đây chính là những đứt gãy đang hoạt động. Biểu hiện rõ ràng nhất bằng những dấu hiệu địa nhiệt cuất hiện ở đây như xuất hiện nhiều suối nước nóng, mỏ nước khoáng… Vì thế khi tích nước ở một hồ chứa có dung tích lớn thì sẽ tạo nên động đất kích thích. Nước thấm xuống dưới làm các đới đứt gãy này trở nên yếu hơn.
TS Lê Huy Minh, Viện phó Viện Vật lý Địa cầu cho biết, thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng trên một khu vực tồn tại các đứt gãy đang hoạt động, có thể gây ra động đất 5,5 độ Richter. Cuối năm 2011, khu vực này xảy ra liên tiếp nhiều rung chấn kèm những tiếng nổ trong lòng đất gây nứt nhà dân. Nguyên nhân của các động đất kích thích là hoạt động tích nước thủy điện Sông Tranh 2 làm gia tăng cường độ đứt gãy.
TS Vũ Văn Chinh cho rằng đây là vùng xung yếu về kiến tạo, vỏ trái đất bị dập vỡ nhiều nên khả năng tích lũy năng lượng để tạo nên động đất sẽ cao hơn. Hơn nữa, địa chất hiện đại ở đây kế thừa lịch sử địa chất yếu và phức tạp. Quá trình tích lũy năng lượng của các đới đứt gãy sau mỗi lần dịch chuyển cũng lớn hơn.
Sự cố lạ và đáng lo ngại
Theo TSKH Vũ Cao Minh, Viện Địa chất, sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2 là một sự cố lạ và đáng lo ngại. Nhiều khả năng nó gắn với những rung chấn của động đất kích thích trong thời gian vừa qua. Để có kết luận thì phải xem nước chảy ra từ khe nứt thế nào, vết nứt trên thân đập ra sao. “Hiện nay chưa thể vỡ đập nhưng nếu không xử lý tốt thì sẽ rất lôi thôi”, TSKH Vũ Cao Minh nhấn mạnh.
Theo KS Lê Tứ Hải, chuyên gia về địa chất thủy văn, Liên hiệp Khoa học Sản xuất địa chất nước khoáng, ngoài các yếu tố về thi công, kỹ thuật, thì khả năng lớn là Sông Tranh 2 nằm trong hệ thống đứt gãy đang hoạt động.
Cũng theo KS Lê Tứ Hải thì rất có thể việc khảo sát địa chất ban đầu khi xây dựng công trình đã không làm chi tiết. Hơn nữa theo quy luật, hoạt động địa chất ở hầu hết các con sông ở Việt Nam đều liên quan đến các đới đứt gãy. Lý do đơn giản là các con sông được hình thành từ những khe nứt của đất đá, qua hàng triệu năm thì nó thành sông.
“Sự cố nứt đập là rất đáng lo, tuy nhiên với công nghệ hiện nay, việc tìm ra nguyên nhân không quá khó. Để kiểm tra các khối bê tông có liên tục không, người ta có thể khoan lấy mẫu. Để biết hoạt động kiến tạo địa chất diễn ra như thế nào, đã ổn định chưa… chúng ta cũng có đủ thiết bị để đánh giá”, KS Lê Tứ Hải nhận định.
Theo TS Vũ Văn Chinh thì chuyện làm ẩu, thi công ẩu là chuyển khác, không liên quan đến các hoạt động địa chất. Việc xử lý sự cố là cần thiết, song những lo lắng về khả năng vỡ đập trong thời điểm này là không nên. Khi thi công một công trình lớn như vậy thì người ta cũng đã đánh giá độ an toàn cũng như tính toán khả năng kháng chấn rồi.
Theo các chuyên gia, cần phải có một tổ chức đánh giá độc lập để nhanh chóng giải quyết sự cố này.