Nhà khoa học thực vật Joanne Chory vừa chiến thắng được giải thưởng 3 triệu USD từ tỷ phú Mark Zuckerberg, trong một cuộc thi khoa học thường niên được tổ chức bởi các ông lớn công nghệ ở Thung lũng Silicon.
Đây là một giải thưởng được mệnh danh như Oscar của khoa học, được trao hằng năm bắt đầu từ 2012 để vinh danh các nhà khoa học với những ý tưởng mới đầy sáng tạo. Nữ khoa học gia Chory đã thắng giải năm nay vì những gì bà đã làm trong suốt 30 năm qua để tìm ra những giống cây khỏe mạnh hơn.
|
Nếu loài cây trồng mới này được trồng rộng khắp trên thế giới, nó sẽ giảm thiểu được rất nhiều lượng CO2 thải ra từ công nghiệp và nuôi sống được cả hành tinh. Ảnh: John Moore. |
Suốt hàng chục năm nghiên cứu, bà đã tạo ra một loại cây xanh có vị như đậu gà (chickpea), có thể nuôi sống cả hành tinh và hút được khí CO2 để làm lọc sạch bầu không khí, hạn chế sự thay đổi khí hậu cực đoan. Loại thực vật này có thể trồng được vào hạn hán hoặc lũ lụt, giảm được 20 lần carbon so với cây trồng lâu năm.
Bà Chory ước tính sẽ mất khoảng 10 năm và 50 triệu đô la nữa để nghiên cứu biến loại thực vật này thành loại thực phẩm giàu protein. Bà cho biết tự đặt ra áp lực thời gian trong suốt thời gian nghiên cứu, vì hầu hết các dự đoán đều cho thấy vào cuối thế kỷ này, Trái Đất sẽ nóng thêm 2,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
“Thế giới của chúng ta đang đứng trước ngã ba đường, chúng ta phải nhanh chóng hành động để giúp hành tinh không trở nên quá nóng,” bà phát biểu tại buổi lễ trao giải. Công nghệ này sử dụng một chất polyme được gọi là Suberin để hấp thụ carbon.
|
Suberin là một chất polyme có thể giữ được carbon trong rễ cây đến hàng trăm năm, giúp tăng thêm oxy trong khí quyển và làm rễ cây lâu năm trở nên vững chắc hơn. |
Bà cho biết, Suberin có thể giữ lại carbon trong đất đến hàng trăm hay hàng ngàn năm mà không bị phân hủy sinh học. Do đó, trồng cây lâu năm với Suberin sẽ làm sạch không khí và có thêm được nhiều oxy vào khí quyển. Cũng như, gốc rễ của chúng sẽ trở nên dày và cứng cáp, chống chọi được với lũ lụt và hạn hán.
Ngoài ra, bà cũng tìm ra cách phát triển chồi cây đột biến mà không cần ánh sáng bằng cách thay đổi DNA trong hạt giống chứ không tác động hóa chất. Cách thức này giúp cây có thể tăng trưởng được trong bóng mát hay phòng thí nghiệm, loại cây trồng này tự kháng được các loại bệnh thông thường và thời tiết khắc nghiệt.
Để giống cây trồng này phát huy được tối đa tác dụng, bà Chory ước tính nó phải được trồng trên 5% diện tích đất canh tác của thế giới, con số này này tương đương với diện tích của đất nước Ai Cập và nó sẽ giúp giảm đi 50% lượng CO2 thải ra bởi con người trên toàn cầu.
Mặc dù vậy, ý tưởng này vẫn còn rất xa để biến thành sự thật. Chory cho biết bà sẽ vẫn tiếp tục phát triển các giống cây trồng như thế nhưng mặt khác vẫn cần những chiến lược vận động người dân thay đổi thói quen xấu trong sinh hoạt và sản xuất để giảm thiểu được lượng khí CO2 thải ra.
Trước mắt, bà hy vọng loại thực vật mới này sẽ thay đổi được tình hình môi trường ở California, nơi bà đang sống. “Người dân sống ở đây không ai có thể giảm được mức thải CO2 của mình xuống thấp hơn 50%, kể cả tôi cũng vậy, nhưng hy vọng trong tương lai mọi chuyện sẽ đổi khác theo hướng tích cực hơn,” bà cho biết.