Nắng nóng kỷ lục ở Kenya khiến sinh vật tại đây chết như ngả rạ. Đáng chú ý, một vài con hà mã nằm dưới bùn đã bị nướng chín vì cái nóng như thiêu đốt ở nhiệt độ trên 50 độ C.
Hàng trăm con hà mã khác cũng đang trong cảnh nguy ngập vì nắng nóng. Hà mã là loài động vật có vú ăn cỏ lớn nhất châu Phi với trọng lượng lên tới 3 tấn. Chúng thường sống dưới nước hoặc đầm lầy để tránh nóng và ruồi muỗi.
|
Một con hà mã bị cháy đen da. |
Hình ảnh gây sốc được đăng tải khi những con hà mã ở hồ Kenyatta bị cháy đen da vì kẹt trong hố bùn và trời nóng như lửa đốt. Đơn vị bảo tồn động vật hoang dã Kenya đang tích cực cấp nước cho các đầm lầy để giảm thiểu thiệt hại. Tính đến nay đã có 30 con hà mã bị chết vì nắng nóng.
Đơn vị này cũng kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế với nhân lực, dầu diesel và máy bơm để chống hạn. “Đây là lời thỉnh cầu gửi tới mọi người nhằm cứu giúp những con hà mã đang sống ở hồ Kenyatta”, tổ chức này viết trên Facebook.
Đầu tháng này, tổ chức Cứu nạn Động vật hoang dã Kenya (KWA) đã liên tục bơm nước để giải cứu hàng trăm loài động vật đang gặp nguy khốn. 30 hà mã, hàng trăm trâu rừng, linh dương, hươu nai các loại đã chết vì kẹt trong bùn tại Lamu.
60 hà mã đã được giải cứu nhưng vẫn còn 50 con khác kẹt tại đập Mkunumbi, cách hồ Kenyatta 10 km. Tờ All Africa cho rằng hà mã đã di chuyển tới đập này để tìm nước.
Jacob Orale, một nhân viên từ KWS nói: “Chúng tôi đang rất nỗ lực bơm nước vào các hồ, đầm lầy khô hạn với hy vọng hà mã được cứu sống. Việc cấp nước giúp hồ đỡ khô và giúp hà mã có thể di chuyển dễ dàng hơn trong bùn. Nếu đầm lầy kiệt nước, hà mã sẽ chết tại chỗ”.
Đây là lần đầu tiên sau 3 năm Kenya hứng chịu hạn hán nghiêm trọng tới vậy. Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi khoản tiền trợ cấp 166 triệu USD để giải quyết vấn đề này. Không chỉ hà mã mà người dân Kenya cũng đang khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt.
“Mưa ít khiến hạn hạn, đói kém xảy ra. Gia súc, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng. Dịch bệnh tràn lan và khiến người dân phải chuyển chỗ ở. 47% dân số Kenya chịu ảnh hưởng và chính phủ đã gọi đây là thảm họa tự nhiên”, Liên Hiệp Quốc thông báo.