Ý nghĩa tập tục "đánh kẻ tiểu nhân" của người Hoa

Google News

Theo tập tục "đánh kẻ tiểu nhân", người dân dùng dép, giày, guốc... đập liên tiếp vào hình nhân tượng trưng cho những kẻ tiểu nhân nhằm xua đuổi cái xấu, cầu sự may mắn trong năm mới.

Theo quan niệm của người Trung Hoa, Tiết Kinh trập (ngày 5 hoặc ngày 6/3 dương lịch hàng năm) là thời gian mà các "thế lực xấu" như tiểu nhân, Bạch Hổ tinh quân... bắt đầu hoạt động. Vì vậy, cần phải "đánh tiểu nhân" để tránh họa.
Quan niệm "tiểu nhân" ở đây không chỉ một nhóm đối tượng đặc thù nào mà được hiểu là sự tương phản với khái niệm "quý nhân". Điều này giống như nhiều tín ngưỡng dân gian khác như âm - dương, chính - tà, nam - nữ...
Y nghia tap tuc
 Tập tục "đánh kẻ tiểu nhân" mang ý nghĩa cầu may mắn, bình an đồng thời xua đuổi những điều xui xẻo. Ảnh: Wangyi.
Là một trong những tập tục truyền thống lâu đời của người Hoa, “đánh kẻ tiểu nhân” được cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn, TP.HCM lưu truyền đến nay với ý nghĩa cầu may mắn, bình an đồng thời xua đuổi những điều xui xẻo, những “kẻ tiểu nhân” đi theo quấy rối mình.
Theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng, tập tục diễn ra từ tháng Giêng kéo dài cho đến đầu tháng 2 âm lịch. Trong đó, lễ chính là vào ngày vía thần Bạch Hổ. Bởi theo quan niệm dân gian của người Hoa, thần Bạch Hổ cũng là khắc tinh của “tiểu nhân”.
Để linh ứng, tập tục “đánh kẻ tiểu nhân” phải được diễn ra trước khu vực thờ Bạch Hổ. Lễ vật cúng bao gồm thịt heo, huyết heo, trứng vịt (tất cả đều là thịt sống), rượu trắng… để dâng lên ngay khi thần Bạch Hổ mở miệng.
Hội quán Ôn Lăng hay còn gọi là chùa Quan Âm tại quận 5 (TP.HCM) là nơi được đông đảo người dân đến cúng bái và thực hiện tập tục này. Nếu như trước đây tập tục gói gọn trong cộng đồng người Hoa thì những năm gần đây, nhiều người Kinh cũng bắt đầu làm quen và tin tưởng.
Y nghia tap tuc
 Những mảnh giấy in hình Bạch Hổ. Để linh ứng, tập tục “đánh kẻ tiểu nhân” phải được diễn ra trước khu vực thờ Bạch Hổ. Ảnh: Wangyi.
Tiến sĩ Nguyễn Thái Hòa, chuyên gia nghiên cứu tín ngưỡng trong các hội quán người Hoa, cho biết để thực hiện tập tục này, người hành lễ sẽ dùng giày, dép đập liên tiếp vào những hình nhân, tượng trưng cho những “kẻ tiểu nhân” đang theo quấy rối, cho đến khi tan tát. Theo đó, “kẻ tiểu nhân” bị đánh, sau này không nói năng bừa bãi, không thể hại người.
Quá trình đánh tiểu nhân được chia làm 8 khâu gồm bái thần, bẩm cáo, đánh tiểu nhân, tế bạch hổ, hóa giải, cầu phúc, tiến bảo và bốc quẻ cầu may.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), tập tục "đánh kẻ tiểu nhân" được xem là di sản văn hóa phi vật thể cần được giữ gìn và phát huy. Vì vậy, tập tục này đến nay vẫn được lưu truyền cho các thế hệ sau.
Theo Kiều Trang/ Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)