Do nguồn nguy hiểm cao độ là những vật do đặc tính của nó nên trong quá trình chiếm hữu, khai thác, quản lý, vận chuyển chúng luôn chứa đựng tiềm ẩn những nguy hiểm khách quan, dễ xảy ra thiệt hại ở mức độ lớn cho những người xung quanh. Tính nguy hiểm của nó còn thể hiện ở chỗ con người không thể kiểm soát được một cách tuyệt đối nguy cơ gây thiệt hại.
Vì vậy theo quy định trong Bộ luật dân sự hiện hành, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, thậm chí ngay cả khi không có lỗi...
Trong các văn bản pháp luật được ban hành dưới triều Hậu Lê và triều Nguyễn đều có điều khoản đề cập đến nội dung này, mặc dù khái niệm “nguồn nguy hiểm cao độ” chưa được nêu ra nhưng yếu tố cấu thành tội phạm và chế tài đã được nhắc đến.
|
Chó là vật nuôi dễ gây nguy hiểm cho người. (Hình minh họa – Nguồn: nxbkimdong). |
Trong bộ luật Hồng Đức (tức Quốc triều hình luật) có một số điều quy định, như tại điều 581: “Người thả trâu, ngựa cho dày xéo, ăn lúa, dâu của người ta thì bị xử phạt 80 trượng và đền sự thiệt hại. Nếu cố ý thả cho dày xéo, phá hại của người ta thì bị xử biếm một tư và đền gấp đôi sự thiệt hại. Nếu vì trâu, ngựa chạy lồng lên, không kìm hãm được thì được miễn tội trượng”.
Điều 582 quy định: “Người chủ súc vật và chó có tật hay húc, đá và cắn người mà làm hiệu, buộc tròng không đúng phép (đúng phép là con vật nào hay húc người thì phải cắt hai sừng, đá người thì phải buộc hai chân, cắn người thì cắt hai tai), hay có chó hóa dại mà không giết thì đều bị xử phạt 60 trượng. Nếu vì thế mà làm cho người chết hay bị thương thì bị xử theo tội lầm lỡ. Nếu cố ý thả rông làm cho người chết hay bị thương thì xử nhẹ hơn tội đáng người bị thương hay chết người một bậc. Người thuê đến để chữa bệnh cho súc vật, hay là vô cớ trêu ghẹo những con vật kia mà bị thương hay chết thì người chủ không bị xử tội”.
Pháp luật cũng quy định đến trách nhiệm của những người thuộc lực lượng quân đội khi để vật nuôi do mình quản lý gây hại, cụ thể như sau: “Quân lính giữ voi trận mà thả voi xông đến nhà hay phá hoại cây cối và tre trong vườn người ta thì bị xử tội trượng hay biếm; tướng lĩnh đội ấy phải xử phạt. Nếu vì voi lồng lên không kìm nổi, đến nỗi làm bị thương hay chết thì xử nhẹ hơn tội lầm lỡ; nếu là cố ý thả ra thì xử nhẹ hơn tội giết người hay làm bị thương hai bậc…” (Điều 583 Quốc triều hình luật).
|
Chó cắn người. (Hình minh họa – Nguồn: tansinh.net). |
Một số văn bản pháp luật khác ban hành dưới triều Hậu Lê cũng có nội dung liên quan. Trong sách Thiên Nam dư hạ tập ghi nội dung một lệnh cấm ban hành vào năm Kỷ Sửu niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469) đời Lê Thánh Tông như sau: “Lệnh cấm trâu ngựa phá hoại hoa màu, ruộng dâu: Kẻ nào thả trâu ngựa phá hoại hoa màu, ruộng dâu thì bị phạt 80 trượng và phải bồi thường số thiệt hại. Kẻ nào cố ý thả trâu ngựa phá hoại hoa màu, ruộng dâu thì bị biếm 1 tư và phải bồi thường gấp đôi. Nếu gia súc tự xổng thì miễn xử tội”.
Để có căn cứ xử lý khách quan, luật cũng quy định về việc một số trường hợp phải tiến hành giám định để xác định mức độ thiệt hại, cụ thể như trong điều 2 của định lệ ban hành năm Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487) được chép trong sách Hồng Đức thiện chính thư, theo đó: “Phàm các vụ án có việc cần khám nghiệm, có việc không cần khám nghiệm, ví dụ như các vụ án mạng, đọa thai, trộm cướp, thông dâm, hổ vồ, trâu húc chết, đánh nhau, phá địa giới phần mộ, thắt cổ chết … đều phải chạy đi trình báo xin khám nghiệm, lập biên bản theo đúng quy định, không được biến không thành có, biến có thành không, dẫn đến sai sự thực. Nếu không khám nghiệm tức là cho rằng không có việc đó, hoặc là có khám nghiệm mà không thấy dấu vết thì cũng xử vào tội vu cáo”.
|
Cắt dây buộc thừng trâu. (Hình minh họa – Nguồn: diendan.org). |
Trong Quốc triều Hồng Đức niên gian chư cung thể thức có phần quy định về lệ xử phạt một số hành vi phạm tội, trong đó có “Lệ phạt những nhà ở gần ruộng để gia súc phá hoại mùa má, hoa màu: Nhà gần ruộng mà để trâu, bò, dê, lợn, gà phá hoại ruộng lúa thì bị đánh 80 trượng và xử tội đồ”. Trong trường hợp “ai thả trâu, bò phá hoại lúa đến mức không thu hoạch được thì xã trưởng và quan huyện sẽ giải trâu, bò và gia chủ đến luận tội. Trâu, bò đem sung công quỹ; gia chủ phải bồi thường lúa, cứ 1 khóm lúa là 3 văn tiền”.
Cũng trong văn bản này, ở một phần khác đã quy định thêm như sau: “Nhà có trâu, bò dữ húc người, chủ bị đánh 80 gậy, phạt 10 quan tiền”; “thả trâu, bò, ngựa hoặc vật nuôi để phá hoại lúa, hoa màu. Phải bồi thường số tiền tương ứng thiệt hại, không được cưỡng lại”.
Trong bộ luật Gia Long (tức Hoàng Việt luật lệ) cũng có điều luật liên quan đến việc “súc vật cắn, đá người” như sau: “Phàm trâu, ngựa và chó hung dữ hay cắn, đá người mà chủ súc vật làm dấu hiệu cảnh báo, xích buộc không đúng quy định, hoặc có chó điên không giết đi thì bị phạt đánh 40 roi. Do những lỗi trên, để súc vật cắn, đá người bị thương hoặc chết thì xử vào tội lỡ tay đánh người bị thương hoặc chết, thu tiền bồi thường cấp cho người bị hại.
Nếu cố ý thả súc vật để nó cắn, húc người bị thương hoặc chết thì giảm 1 bậc so với tội đánh nhau làm chết người hoặc bị thương (Nếu cắn, đá người trong họ thì y theo luật kẻ trên người dưới đánh nhau gây sát thương).
Nếu được thuê chữa trị cho gia súc mà không biết cách khống chế nó, hoặc người nào vô cớ tự va vào nó mà bị thương hoặc chết thì không xử tội.
Nếu kẻ nào cố ý thả cho để nó cắn gia súc của người khác chết hoặc bị thương, thì đều bị phạt đánh 40 roi, bắt bồi thường số tiền bị giảm giá trị do con vật bị chết hay bị thương để cấp trả cho chủ”.
Việc xác định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một vấn đề phức tạp, gây nhiều tranh cãi bởi xác định lỗi, hành vi trái pháp luật của con người gây ra hay chính nguồn nguy hiểm gây ra còn nhiều vấn đề. Mặc dù có những hạn chế nhất định, nhưng việc xuất hiện các quy định này trong pháp luật triều Hậu Lê và triều Nguyễn cho thấy bước tiến bộ trong xây dựng pháp luật để điều chỉnh các quan hệ đa dạng, phức tạp trong xã hội.