Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của mình, dù ở thời chiến hay thời bình, dù trên cương vị công tác nào, đồng chí Lê Đức Anh cũng hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, luôn giữ vững khí tiết, phẩm chất của người cộng sản, luôn tận tâm, tận lực vì nước, vì dân, vì bạn bè quốc tế. Đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cho sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đọc những dòng hồi ký được Đại tướng Lê Đức Anh chia sẻ trong cuốn sách “Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” do NXB Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2015, không khó để nhận ra phẩm chất của một chiến sĩ cộng sản kiên trung luôn hết lòng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, phát triển đất nước.
|
Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh: Đại đoàn kết. |
Trong những năm tháng thanh niên sôi nổi và những ngày đầu tham gia cách mạng, khát khao được cống hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc luôn bừng cháy trong ông: “Tôi đọc các tin hoạt động của phong trào cộng sản quốc tế Đảng Xã hội Pháp, sau đó là đọc các sách của Mác để tìm hiểu về các vấn đề như giai cấp là gì, chủ nghĩa tư bản,... Khi đọc về chủ nghĩa tư bản, tôi đọc cả bản tiếng Pháp và bản dịch của Hải Triều, nhưng đọc nhiều lần vẫn chưa hiểu do trình độ học vấn thấp. Rồi đọc về cương lĩnh của các đảng, tôi thấy các cương lĩnh, kể cả Cương lĩnh của Đảng Xã hội Pháp cũng không nói về giải phóng thuộc địa, chỉ có Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Pháp là nói về giải phóng thuộc địa. Ông Lê Bá Dị nói Nguyễn Ái Quốc là một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Đảng Cộng sản Pháp là thành viên của Đệ tam Quốc tế. Từ việc đọc sách báo, tôi cũng hiểu thêm về Nguyễn Ái Quốc và Mặt trận Bình dân của nước Pháp. Những tài liệu này đã có ảnh hưởng mạnh tới phong trào cách mạng của nước ta. Với riêng tôi, đã bắt đầu có nhận thức về chính trị - xã hội và cái niềm khát khao ban đầu còn mơ hồ thì nay đã rõ dần, là muốn làm một điều gì đó cùng với người dân lam lũ quê tôi đặng thay đổi cuộc sống lầm than, cơ cực”
Ở tuổi 20 khi làm việc ở đồn điền cao su Lộc Ninh trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, đồng chí Lê Đức Anh luôn đau đáu khát vọng giải thoát cuộc sống lầm than cho người lao động: “Tôi tìm hiểu tình hình và biết rõ thực trạng cuộc sống của những người lao động trong từng lô cao su. Tôi lựa lời bàn với họ làm sao giúp nhau để bảo đảm cho đời sống của người phu cao su đỡ cực khổ.
Tôi nói chuyện với các thầy xu và bàn với họ: Phải làm sao để chủ Tây không chửi mắng, không khinh người Việt ta quá thể... Khi công việc này đã có những kết quả khả quan, tôi nghĩ đến việc chọn những người tiêu biểu để giác ngộ và gây dựng lực lượng đầu tiên cho cách mạng ở vùng này. Nhưng muốn tiến hành việc đó, trước hết phải tìm cách bắt được liên lạc với tổ chức của Đảng. Lúc này, với đồng lương và sự tiết kiệm trong chi tiêu đã giúp tôi có điều kiện để thực hiện ý định này”.
Là một trong những vị chỉ huy tài ba, quyết đoán của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử,
Đại tướng Lê Đức Anh luôn khẳng định để đi đến thắng lợi 30/4/1975 chấn động là sự quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, là kết quả tổng hòa của sức mạnh tập thể. Chưa một lần, ông đề cao vai trò của cá nhân mình trong chiến thắng vang dội này của đất nước. Trong cuốn hồi ký, ông chia sẻ: “Tháng 11/1973, sau khi được cùng anh Võ Văn Kiệt và Khu ủy Khu 9 lãnh đạo, chỉ huy lực lượng cách mạng của Quân khu đánh bại kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ” của địch, làm phá sản chiến lược bình định lấn chiếm sau Hiệp định Paris của chính quyền Sài Gòn, tôi được anh Lê Duẩn gọi ra Bắc báo cáo tình hình chiến trường. Anh nói rằng: “Mỹ tăng cố vấn và tăng viện trợ để thực hiện ý đồ “Quốc gia dân tộc”; nhưng bọn ngụy quyền vẫn tham nhũng và mâu thuẫn nhau nên chưa thực hiện được. Cả bộ máy quân sự khá đồ sộ, từ quân chủ lực tới quân địa phương, bảo an dân vệ, đến phòng vệ dân sự… đông, đồ sộ nhưng không mạnh”.
Anh nói một cách rành rẽ và kiên quyết: “Quyết không để cho quân ngụy nó lại hồn, không để cho nó trấn tĩnh lại, phải chớp thời cơ càng nhanh càng tốt. Nếu một khi nó đã hết hoang mang, ổn định tinh thần rồi thì mình sẽ khó vô cùng. Nếu kế hoạch cơ bản về “Việt Nam hóa” của nó mà làm được 70% thì ta sẽ khó khăn. Lúc đó nếu còn chiến tranh thì sẽ trở thành nội chiến; mà đã như thế thì nó sẽ diễn ra như thế nào, không ai lường trước được.
Nghiên cứu tình hình thì thấy rất rõ là từ giữa năm 1973 đến đầu 1974, địch bắt đầu thí điểm thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa” ở một số vùng ven đô. Bởi vậy, Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn và Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã chỉ rõ: Nhằm lúc Mỹ rút nhưng chưa rút xong và không thể quay lại, ngụy ở lại thì chưa ổn định, đây là thời cơ tốt nhất để ta tổng tiến công và nổi dậy đánh trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Thời cơ là vô cùng quan trọng. Thời cơ là sức mạnh. Đây là một tư duy sáng suốt!”.
Trong thời bình, trên cương vị Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch nước và Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông cũng để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. Dù đảm nhận cương vị nào, ông cũng luôn là nhà lãnh đạo xuất sắc, sáng suốt có tầm nhìn xa trông rộng với những thông điệp đầy ý nghĩa được chia sẻ trong hồi ký: “Có thể nói nhiệm kỳ 1991-1997 là giai đoạn Việt Nam triển khai toàn diện công cuộc đổi mới đất nước với một nỗ lực rất cao của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, riêng về công tác đối ngoại, chúng ta đã thực hiện và triển khai một cách vừa thận trọng, nghiêm túc, vừa tích cực chính sách đối ngoại rộng mở đa phương hóa, đa dạng hóa. Những hoạt động đối ngoại nói trên đã thu được những kết quả rất quan trọng. Ta đã làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn đất nước và con người Việt Nam, hiểu rõ và ghi nhận chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa trên nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào nội bộ của nhau và cùng có lợi. Kết quả hoạt động tích cực của công tác đối ngoại cùng với những thành tựu quan trọng của công cuộc đổi mới ở giai đoạn này đã thực sự nâng tầm vị trí của nước ta trên trường quốc tế. Và từ đó, ta đã tranh thủ sự giúp đỡ, khai thác được thế mạnh của từng quốc gia, từng tổ chức quốc tế vào công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước. Câu khẩu hiệu, đồng thời cũng là chủ trương của Đảng ta: "Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và các dân tộc trên thế giới" đã trở thành hiện thực. Trước đây, Đảng ta đã từng huy động sức mạnh đoàn kết quốc tế kết hợp chặt chẽ với phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn để chiến thắng kẻ thù xâm lược, giải phóng đất nước, thì ngày nay, với đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng, chúng ta cũng đã và đang phát huy sự kết hợp một cách khoa học giữa nội lực của toàn Đảng, toàn dân với việc phát triển tình hữu nghị và hợp tác quốc tế, tạo nên sức mạnh mới cho sự nghiệp cách mạng xây dựng và phát triển đất nước ở giai đoạn mới.
Chúng ta mãi mãi nhớ ơn nhân dân thế giới, bầu bạn xa gần đã và đang ủng hộ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giành và giữ độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta mãi mãi là người bạn chân thành của cộng đồng các dân tộc sống trên hành tinh tươi đẹp này. Sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhất định thắng lợi vẻ vang.”
Trên hết dù ở giai đoạn lịch sử nào, Đại tướng Lê Đức Anh vẫn luôn tâm niệm “lấy dân làm gốc” và đề cao tư tưởng “nhân ái”. Trong cuốn hồi ký của mình, ông cho biết: “Nhớ lại những năm tháng đầy thử thách, cam go, khi bị kẻ thù khủng bố, đàn áp gắt gao, những lúc cách mạng gặp khó khăn, thử thách, song nhờ bám thực tế, chủ động sáng tạo, dựa vào dân, bám chắc vào dân nên tôi đã vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chính trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất mới thấy hết vai trò to lớn của nhân dân. Nhân dân không chỉ là người giúp đỡ, chở che, mà họ còn là nguồn sáng tạo vô tận để chúng tôi học tập”. Cũng trong hồi ký, ông khẳng định: “Thắng lợi trọn vẹn của chúng ta có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân to lớn nhất, cơ bản nhất, gốc rễ nhất là tư tưởng “Nhân ái”. Tư tưởng “nhân nghĩa” của thời đại Hồ Chí Minh là bắt nguồn truyền thống chí nhân chí nghĩa của dân tộc, như Nguyễn Trãi từng viết trong “Đại Cáo Bình Ngô”: “Lấy chính nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”.