Quan Vũ (? - 220), tự Vân Trường là một vị tướng nổi tiếng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam quốc ở Trung Quốc. Ông là người đã góp công vào việc thành lập nhà Thục Hán, với vị hoàng đế đầu tiên là Lưu Bị. Ông là người đứng đầu trong số ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán gồm: Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu và Hoàng Trung.
|
Quan Vũ là người đứng đầu trong số ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán. |
Quan Vũ được đánh giá là vị tướng võ nghệ xuất chúng, dũng cảm phi thường, uy tín đứng đầu toàn quân. Ông trọng điều nhân nghĩa, giữ chữ tín, là bầy tôi tuyệt đối trung thành.
Tào Tháo coi Lưu Bị là đối thủ nguy hiểm, trong trận Từ Châu ông đã dùng gia quyến Lưu Bị để ép Quan Vũ đầu hàng. Nhưng vì rất quý trọng khí phách và tài năng của Quan Vũ nên Tào Tháo không đối xử với ông như là tù binh mà coi là bậc thượng khách, ban lễ vật và chức tước rất trọng hậu, mong thu nạp được ông. Nhưng dù Tào Tháo hậu đãi bao nhiêu lần cũng vẫn không thuyết phục được ông từ bỏ Lưu Bị, dù Lưu Bị khi đó đang phải phiêu dạt khắp nơi và sự nghiệp rất mờ mịt. Khi biết được tin về Lưu Bị, Quan Vũ đã quyết định vượt ngàn dặm đi Hà Bắc tìm đại ca.
Theo Tam quốc chí của Trần Thọ, sau khi Lưu Bị đánh chiếm Tứ Xuyên, Hán Trung rồi lên ngôi vương đã tạo thế chân vạc chia ba thiên hạ. Vùng đất chiến lược Kinh Châu được Lưu Bị giao cho Quan Vũ trấn thủ.
Quan Vân Trường không ý thức được vai trò quan trọng của mình, nhiều lần đem quân chinh phạt Tào Ngụy ở phương Bắc, để Đông Ngô nhân cơ hội đánh úp chiếm Kinh Châu.
|
Tấm lòng trung trinh của Quan Vũ dành cho Lưu Bị là một trong những điều hậu thế luôn ca ngợi khi nhắc về ông. |
Năm 219, nhân khi Quan Vũ tập trung quân lên mạn bắc để đánh Bắc Ngụy, lơi lỏng việc phòng thủ, Lã Mông dùng mưu tập kích, chiếm trọn Kinh Châu. Quan Vũ lâm vào thế “lưỡng đầu thọ địch” không biết phải chạy đi đâu.
Quan Vũ và con trai Quan Bình cuối cùng bị quân Đông Ngô vây bắt. Đứng trước Tôn Quyền, Quan Vũ quyết không đầu hàng, không chịu phục tùng và kết quả là cả hai cha con đều bị giết vào đầu năm 220.
Sau đó, Tôn Quyền sai người mang đầu Quan Vũ đến Lạc Dương nộp cho Tào Tháo. Tào Tháo không mang đầu Quan Vũ đi bêu mà sai làm lễ tang trọng thể theo nghi thức an táng chư hầu.
Về vấn đề này, các nhà nghiên cứu đánh giá rằng, Tào Tháo dù đã phụ nhiều người, nhưng chưa từng phụ Quan Vũ. Mặt khác việc làm đó còn mang ý nghĩa chính trị không nhỏ.
Việc Tôn Quyền nộp đầu Quan Vũ cho Tào Tháo để muốn thiên hạ biết rằng mình giết Vũ theo lệnh Tào Tháo, khiến Lưu Bị chĩa mũi nhọn vào họ Tào.
Nhưng việc Tào Tháo trọng táng Quan Vũ lại cho ra một thông điệp khác, đó là Tôn Quyền tự ý giết Quan Vũ. Nhờ hành động này Tào Tháo đã giải toả được sự hiềm nghi của mọi người và lái được mũi nhọn của Lưu Bị trở lại phía Tôn Quyền.
Trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, cái chết của Quan Vũ được thêu dệt nên chuyện rằng: “Ngày Tôn Quyền mở tiệc khao Lã Mông, hồn ông đã quay về giết chết Lã Mông. Vì hoảng sợ và để ly gián Ngụy và Thục nên đem đầu ông đến nộp cho Tào Tháo. Tào Tháo mở hộp đựng đầu Quan Vũ ra nhìn, thấy râu tóc dựng đứng lên, trừng mắt ra nhìn, vì vậy Tào Tháo hoảng sợ tới mức tái phát bệnh đau đầu và không lâu sau cũng chết”. Câu chuyện này dựa trên một phần thực tế về cái chết của Lã Mông. Không lâu sau khi đánh chiếm được Kinh Châu cho Tôn Quyền và giết Quan Vũ, Lã Mông trở về cũng ốm nặng, không ăn uống được gì và qua đời.
Khi hay tin nhị đệ - Quan Vũ bị giết, Lưu Bị vô cùng đau lòng, nhiều lần còn ngất đi trong đau đớn. Nhớ tới lời thề kết nghĩa nơi vườn đào năm xưa, Lưu Bị uất hận nói ra một câu: "Ta với Đông Ngô, thề không đội trời chung!".
Tôn Quyền cũng rất thức thời, lập tức sai tướng cầu hòa với Lưu Bị và hứa trả lại Kinh Châu. Nhưng Lưu Bị khi đó vì muốn báo thù cho nhị đệ, không để ý tới lời cầu hòa này, một lòng muốn đánh Đông Ngô.
Theo Tam quốc diễn nghĩa, không lâu sau, Lưu Bị đem 70 vạn quân Thục tiến đánh Đông Ngô. Nếu không phải bị trúng kế sách của Lục Tốn, chắc hẳn ông đã hoàn thành tâm nguyện báo thù cho Quan Vũ.